Đại Lộc là vùng có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt nhưng dù địa phương đã nỗ lực hỗ trợ nhiều mô hình nuôi thí điểm nhằm khuyến khích nhân rộng, đồng thời xây dựng phương án hình thành vùng nuôi tập trung, song hiệu quả chưa như mong đợi.
Nhiều mô hình thí điểm
Năm 2012, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, đã hỗ trợ trực tiếp 3 mô hình nuôi thí điểm cá nước ngọt theo cơ chế “Nông dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đó là các mô hình nuôi cá điêu hồng tại thôn Xuân Tây (Đại Tân) – vốn là diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa có chất lượng kém; nuôi cá điêu hồng thả lồng trên bàu Thạch Bộ (Đại Hòa) và bàu Sấu (Đại Đồng). Phòng NN&PTNT huyện đã hỗ trợ mô hình thả nuôi cá tự nhiên tại thôn Xuân Tây hơn 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Bạn – một trong những người tham gia mô hình tại Xuân Tây cho biết, từ tháng 2/2012, ông bắt đầu thả nuôi 7.000 con giống điêu hồng trên diện tích 0,5ha mặt nước. Tháng 8/2012, ông xuất bán với trọng lượng mỗi con hơn 0,5kg, nhưng do giá cá thương phẩm tại thời điểm đó xuống thấp (30 – 32 nghìn đồng/kg), sau khi trừ chi phí, ông lãi vỏn vẹn 10 triệu đồng. Không nản lòng, ông tiếp tục thả nuôi 20kg giống hỗn hợp gồm điêu hồng, cá xanh, trắm cỏ. Đến nay, trọng lượng mỗi con đạt 0,4 – 0,5kg, chỉ khoảng 1 tháng nữa ông có thể xuất bán. Theo ông Bạn, so với trồng lúa, nuôi cá có lãi hơn, nhưng do mới bắt đầu thả nuôi, kinh nghiệm còn hạn chế, cộng với giá cá thương phẩm trên thị trường luôn biến động nên lợi nhuận đem lại từ mô hình còn thấp. Trên diện tích 1ha, có 3 hộ được đầu tư thả nuôi nhưng đến nay chỉ ông Nguyễn Bạn và ông Bùi Trung còn duy trì mô hình.
Ông Nguyễn Bạn bên ao nuôi thí điểm sắp thu hoạch. Ảnh: H.L
Bàu Sấu (Đại Đồng) có diện tích mặt nước rộng hàng chục héc ta hiện có 10 hộ tham gia nuôi với đủ các loại cá: trắm cỏ, mè, điêu hồng. Trong đó, hộ ông Lê Văn Lũy nhận được hỗ trợ 6.000 con giống điêu hồng cùng chi phí hỗ trợ vật tư, làm lồng bè. Ông Lũy bắt đầu thả nuôi từ tháng 2/2012 trên diện tích 200 m2, dự kiến mô hình thu hoạch vào đầu tháng 7/2012. Tuy nhiên, khi chưa đến kỳ thu hoạch, nguồn nước bàu Sấu bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất của người dân gần đó đã gây ảnh hưởng, làm giảm năng suất, khiến mô hình không đem lại hiệu quả như dự kiến.
Nhỏ lẻ, manh mún
Với diện tích mặt nước lên đến 100ha, tiềm năng nuôi thủy sản (chủ yếu là cá nước ngọt) trên địa bàn Đại Lộc là rất lớn. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, mỗi năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 300 tấn, đạt 6 tỷ đồng/năm. Nhưng cho đến nay ngành nuôi thủy sản tại Đại Lộc chỉ dừng lại ở việc tận dụng diện tích mặt nước ao hồ, lòng đập, bàu tự nhiên như đập Khe Tân, bàu Sấu, bàu Thạch Bộ là chính… Lòng hồ Khe Tân là nơi khởi phát hình thức nuôi cá lồng (điêu hồng, lóc) với khoảng 80 lồng được thả nuôi mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Quang – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện thông tin, thời gian đến, diện tích mặt nước thuộc bàu Ông (Đại Nghĩa), đập Trà Cân (Đại Hiệp) sẽ được khai thác để tiếp tục thí điểm mô hình nuôi thủy sản nước ngọt. Trước đó, một số mô hình thí điểm đã được triển khai trên địa bàn huyện như mô hình nuôi cá bống tượng, tôm càng xanh, cá chình trong ao tại Đại Chánh, Đại Tân, Đại Hiệp; mô hình nuôi cá lóc, cá trê trong bể xi măng có diện tích 30 – 100m2… Trên thực tế, hiệu quả của các mô hình thí điểm đi đến đâu, khả năng duy trì mô hình và nhân rộng ra sao chưa có thống kê cụ thể. “Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm đối diện với nhiều khó khăn về thị trường, ô nhiễm, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, việc đầu tư phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt là mục tiêu huyện đang hướng tới” – ông Quang cho biết.
Theo đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Đại Lộc giai đoạn 2010 – 2015”, Đại Lộc sẽ hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô 50ha, góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt của huyện đạt tổng sản lượng 600 tấn/năm, ước đạt 20 tỷ đồng. Vùng nuôi trồng tập trung sẽ hình thành tại 4 xã vùng B như Đại Tân, Đại Thắng, Đại Chánh, Đại Thạnh… vốn là những xã ít ngập lụt, có thể nuôi quanh năm, địa bàn bố trí dọc kênh chính của đập Khe Tân giúp chủ động nguồn nước. Thế nhưng, theo ông Quang, địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong vấn đề thực hiện. Không chỉ là kinh phí phục vụ cho quy hoạch, đào ao, cải tạo ao nuôi, chi phí hỗ trợ mô hình thí điểm… mà cả vấn đề quy hoạch, chuyển đổi mục đích đối với những diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả và đất gò đồi. Việc phổ biến kiến thức, tập huấn để bà con nhận thức được hiệu quả của loại hình nuôi thủy sản nước ngọt so với trồng lúa cũng là vấn đề cần bàn. Chính khó khăn trong khâu quy hoạch vùng nuôi tập trung dẫn đến khâu nuôi thủy sản thường bị động nguồn nước. Hiện, người nuôi thủy sản nước ngọt tại vùng B Đại Lộc chủ yếu sử dụng nước từ đập chính Khe Tân chứ chưa tiến hành ký hợp đồng cung ứng nước sạch đối với đơn vị cấp nước, nên thường bị động nguồn nước.
Trong khi đó, yếu tố thị trường, đầu ra sản phẩm vẫn nan giải. Nhìn chung, người nuôi cá nước ngọt tại Đại Lộc nói riêng, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh nói chung chủ yếu nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu nuôi để cải thiện bữa ăn gia đình, cung cấp thực phẩm tại chỗ chứ chưa thực sự biến thành sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường rộng lớn. Kỹ thuật, khâu đầu tư, chăm sóc của bà con còn hạn chế, tình trạng dịch bệnh do môi trường nuôi ô nhiễm vẫn thường xảy ra. Nông dân Đại Lộc chưa thực sự làm giàu từ nghề nuôi cá. Vì vậy, khi đầu tư thực hiện mô hình nuôi thí điểm hay có cơ chế hình thành vùng nuôi tập trung, địa phương cần tính đến phương án bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đẩy nông dân vào vòng luẩn quẩn. Đó cũng là mong muốn chung của nhiều hộ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nguồn giống có chất lượng, lựa chọn đối tượng nuôi được thị trường ưa chuộng rộng rãi cộng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành công.