(TSVN) – Trong điều kiện một năm 2021 nhiều khó khăn, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ cả các doanh nghiệp, người dân, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ…
Những điểm sáng kinh tế đã được thể hiện qua các số liệu. Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so với kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Với phương châm “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, những chuyển biến, vai trò, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp đã được nâng cao. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu chưa chủ động. Ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Đặc biệt là chưa coi trọng phát triển đi kèm khắc phục biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế; việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối.
Từ những tồn tại, hạn chế đó, đề nghị ngành nông nghiệp “mổ xẻ”, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo.
Năm 2022 được cho là có nhiều khó khăn hơn năm 2021. Do đó, ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Muốn thực hiện được như vậy, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, như tăng trưởng trên 3%, xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỷ USD.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1 – 2 thị trường nhất định. Cần nâng cao năng lực chế biến, vì muốn sản xuất lớn rất cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho người nông dân. Đó là chuỗi công việc để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Cải thiện quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế. Đồng thời, cần định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển…
Thu Hồng
(Ghi)