(TSVN) – Thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm qua đã có nhiều biến động và thay đổi do làn sóng COVID-19 lần thứ 4 hoành hành tại khu vực phía Nam. Nhiều thị trường chính giảm tỷ trọng do các vấn đề về logistics, giảm nhu cầu nhập khẩu… và thay vào đó là sự tỏa sáng của nhiều thị trường nhỏ.
Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng gần 3% năm 2019. Nhưng năm 2020 và 2021, xuất khẩu thủy sản sang khối CPTPP sụt giảm 2% chủ yếu do tác động COVID-19 làm ảnh hưởng giao thương và giảm nhu cầu nhập khẩu. Với kim ngạch 2,2 – 2,3 tỷ USD/năm, khối CPTPP chiếm tỷ trọng xuất khẩu gần 28% năm 2021 và dẫn đầu trong nhóm thị trường xuất khẩu chính.
Ảnh: Huy Hùng
Tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh nhất với gần 1,87 tỷ USD, tăng 26% so cùng kỳ năm 2020. Tôm, cá tra, cá ngừ là 3 dòng sản phẩm chính xuất khẩu sang Mỹ, chiếm lần lượt 53%, 17% và 15,6% tổng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Đặc biệt, Mỹ là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm nay.
Theo VASEP, năm nay, xuất khẩu tôm chế biến các loại của Việt Nam sang Mỹ đều tăng mạnh: tôm chế biến mã HS 1605211030 tăng 25%, mã HS 1605211020 tăng 35%; mã HS 1605290500 tăng 16%, mã HS 1605291010 tăng 22%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm đông lạnh mã HS 0306170040 giảm 41%.
Thị trường Mỹ đang hồi phục rất mạnh nhu cầu thủy sản nhập khẩu, nhất là các sản phẩm tôm, cua ghẹ…
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 22%, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 đạt 1 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu sang thị trường này cả năm 2021 sẽ không lạc quan.
Riêng trong tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 31 triệu USD, giảm 61% so với tháng trước đó. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 310 triệu USD, giảm 27% so cùng kỳ năm trước. VASEP cho rằng năm 2021 Trung Quốc nâng hàng rào thương mại đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu khiến hàng hóa bị ách tắc ở cảng, bao gồm cá tra Việt Nam, cá minh thái của Nga, cá hồi Na Uy.
Số liệu: VASEP; Biểu đồ: TSVN
Theo VASEP, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu sang EU hồi phục tích cực với mức tăng 10%, đạt 957 triệu USD. Dự báo cả năm 2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 4%.
Nguyên nhân của việc tăng trưởng chậm là do từ tháng 8 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phía Nam, ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu trong nước, làm giảm cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan. Nhiều mặt hàng thủy sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, phải nhập khẩu nên không được hưởng thuế ưu đãi. Ngoài ra, với nguyên liệu thủy sản đánh bắt trong nước, thủ tục xác nhận và chứng nhận theo quy định IUU gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container, cước hàng hóa đường biển tăng gấp nhiều lần khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ bỏ cuộc.
Lũy kế xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc 11 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ 2,7%, đạt 717 triệu USD.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này trong nửa đầu năm nay, trong đó nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc đông lạnh chiếm tới 80% tổng giá trị xuất khẩu. Sản phẩm này cũng được hưởng ưu đãi thuế quan 0% khi xuất sang thị trường Hàn Quốc. Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc.
Ngoài ra, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm 9,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Dự kiến tôm Việt Nam sang thị trường này cả năm 2021 tăng khoảng 3 – 5% so với năm ngoái.
Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đầu năm 2021, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BCT về quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Theo đó, lô hàng có trị giá dưới 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ.
Với cam kết có được từ Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu của Việt Nam vào Anh được giảm xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất là tôm và một số loại cá (cá tra). Tuy nhiên, thời điểm UKVFTA có hiệu lực cũng là lúc các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chật vật vì dịch COVID-19 nên chưa tận dụng tốt ưu đãi từ thị trường này.
Thái Lan là thị trường đơn lẻ nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 10,7% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã nhập khẩu 49 triệu USD các sản phẩm hải sản này của nước ta. Các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam xuất sang Thái Lan gồm: bạch tuộc cắt đông lạnh, mực khô, mực khô da đen chưa chế biến, mực nang tươi làm sạch đông lạnh, mực đen khô nguyên con, mực cắt khúc đông lạnh…
Việt Nam là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho Thái Lan, chiếm 56%. Trung Quốc đứng thứ hai với thị phần 36%.
Trong 9 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nga từ Việt Nam tăng 79,8% về lượng và tăng 67,3% về trị giá so cùng kỳ năm 2020, đạt 37 nghìn tấn, trị giá 130,8 triệu USD. Thị phần thủy sản tính theo lượng của Việt Nam tại Nga tăng từ 5,26% trong 9 tháng năm 2020 lên 7,68% trong 9 tháng năm 2021.
Đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 3 nhóm sản phẩm chính là cá tra fillet đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh và cá tra nguyên con đông lạnh sang thị trường này. Ngoài ra, Nga là thị trường đứng thứ 9 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 1,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Tính tới nửa đầu tháng 9/2021, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nga đã đạt 32,5 triệu USD.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đài Loan đã liên tục bứt tốc từ những tháng đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu 3 mặt hàng lớn nhất là tôm, cá hồi và cá tra đông lạnh đều tăng trưởng tốt.
Theo dự báo, Đài Loan là thị trường còn nhiều tiềm năng của thủy sản Việt Nam với thị hiếu đa dạng. Đài Loan cũng đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ và Đông Á. Đây sẽ là những thuận lợi cho thủy sản Việt Nam gia tăng giá trị hơn nữa tại thị trường Đài Loan.
Trong khi một số nước nhập khẩu lớn cá tra của khu vực giảm thì Philippines lại là thị trường đáng chú ý trong năm nay. 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Philippines tăng 33%, đạt 14 triệu USD. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trở lại, xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường trọng điểm giảm từ 35 – 45% so cùng kỳ năm 2020 thì thị trường Philippines tăng 58%.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines William Dar cho biết, nước này đã có kế hoạch tăng nhập khẩu cá nục gai và cá thu từ Việt Nam, trước lệnh cấm đánh bắt hàng năm ở nước này và nỗ lực kiềm chế giá nội địa.
Hải Phong
Tổng hợp