(TSVN) – Đầu năm 2022, trò chuyện với các phóng viên báo chí cũng như với lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến việc xây dựng thương hiệu vùng ĐBSCL để vượt qua biến đổi khí hậu, phát triển hiện đại, giàu có.
Tại cuộc gặp mặt lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương ĐBSCL ở tỉnh Bạc Liêu ngày 9/2/2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta cùng nhau phải vượt qua khó khăn để trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới”.
Còn tại cuộc gặp mặt các phóng viên báo chí ngày 27/1/2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm tình nhiều vấn đề đáng chú ý mong các cơ quan truyền thông tạo sự lan tỏa. Trước tiên về tình trạng đất sản xuất manh mún, ông thừa nhận ĐBSCL từ xưa có tiếng cò bay thẳng cánh nhưng hiện nay, diện tích đất trang trại trồng trọt và NTTS đã nhỏ hơn một số vùng khác ở nước ta. Cách giải quyết vấn đề theo ông là đất đai manh mún nhưng không để tư duy manh mún, các cấp các ngành phải liên kết. Nếu chỉ than thở là đầu óc sẽ không nghĩ ra điều gì mới mẻ, mà cần nghĩ cách liên kết hợp tác, tư duy xuyên suốt là “người khác biết điều không thể thì tôi biết điều có thể”. Trong liên kết hợp tác tháo gỡ khó khăn cần vượt qua những tư duy lạc hậu sau: Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ.
Ngành nông nghiệp ĐBSCL cần tạo sự bứt phá trong phát triển. Ảnh: Phan Thanh
Bộ trưởng Hoan yêu cầu: Chúng ta phải vượt qua tư duy ngắn hạn, thích ứng linh hoạt mới có thể phát triển trong thế giới hôm nay đầy biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Một số doanh nghiệp ở các nước khác từng xuất khẩu nguyên liệu thô cho ta chế biến (trong đó có nhiều mặt hàng thủy sản) đang có xu hướng nâng cao năng lực chế biến, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Điều đó chắc chắn có khó khăn cho doanh nghiệp chế biến của Việt Nam và chúng ta phải thay đổi tư duy để vượt qua, các ngành hàng cần xây dựng chiến lược căn cứ trên thị trường mới. “Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các ngành để có chiến lược chung cho nông nghiệp cả nước”, Bộ trưởng nói.
Vị tư lệnh ngành cũng phân tích sâu về tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, nối kết không gian phát triển, chú trọng nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bao trùm. Nông dân ở nhiều nơi đã chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng đa canh, luân canh, xen canh, không quá đặt nặng mục tiêu sản lượng, đang tạo dựng hình ảnh nông dân chuyên nghiệp, thông minh, thích ứng với sự thay đổi. Một nền nông nghiệp minh bạch theo cam kết quốc tế đang trên hành trình tạo dựng hình ảnh đẹp, dần dần khẳng định thương hiệu có tiếng vang trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoan cũng bày tỏ sự day dứt khi nông nghiệp vẫn còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém an toàn, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Chúng ta đẩy mạnh sự tăng trưởng nông nghiệp nhưng thiếu chú trọng giảm chi phí đầu vào, vừa chưa tính hết những chi phí ẩn về sức khỏe cộng đồng, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học khiến nông sản khó cạnh tranh bền vững.
“Nền nông nghiệp hiện đại cần phủ tri thức lên khắp ruộng đồng, tạo ra quy trình sản xuất với chi phí ít hơn, nhưng thu lại nhiều hơn, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ về phương châm hành động với 3 nội dung: Tư duy mở, Hành động nhanh, Kết quả thật. Tư duy mở: Bộ NN&PTNT “Mở” với cộng đồng doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là “đối tác đồng hành, kiến tạo phát triển” chứ không phải là “đối tác quản lý”. “Mở” với những chuyên gia đầy tâm huyết từ các viện, trường và xã hội, bằng cách này hay cách khác vẫn đang miệt mài tạo ra những mô hình mới, những giá trị mới. “Mở” với hàng triệu nông dân để thấu hiểu nông dân nhiều hơn, để lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, trăn trở của người nông dân, để mọi hoạt động phải xoay quanh người nông dân.
Hành động nhanh: Thế giới thay đổi nhanh chóng, mỗi ngày mới đến là mỗi thay đổi mới đến. Không thể để ý định mãi là ý định mà phải biến ý định thành hành động. Muốn hành động nhanh thì tâm thế phải chủ động, phải sẵn sàng. Muốn hành động nhanh thì phải chuẩn bị thật tốt, thật nghiêm túc, thật chỉn chu. Muốn hành động nhanh thì phải tiên liệu mọi khó khăn, ngay cả khi điều kiện hiện vẫn còn thuận lợi.
Kết quả thật: Khi và chỉ khi, thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp, song hành với chỉ số tăng trưởng, với giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Khi và chỉ khi, mọi hoạt động của ngành không phô trương, hình thức, không chỉ để hoàn thành kế hoạch, mà phải mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, thương nhân, nông dân và xã hội. Khi và chỉ khi, các chính sách hướng tới nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đều có lời giải thỏa đáng, sát thực từ những ao cá, ruộng vườn, trong các nhà máy, xí nghiệp.
Sáu Nghệ