Dư địa bứt phá cho năm 2022

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá, nền kinh tế của Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6% đến 6,5% vào năm 2022 trong bối cảnh mà dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng được phủ rộng. Cùng với đó là hàng loạt chính sách “kích cầu” của Chính phủ dành cho sự phục hồi, cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề.

Hỗ trợ phục hồi

Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022 và năm 2023 với từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch COVID-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô chính sách tài khóa khoảng là 291 nghìn tỷ đồng, gồm quy mô tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 240 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình được ban hành ngày 30/1/2022 đang được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm.

Việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển cần phải đúng, không chỉ đối tượng mà còn đúng thời điểm Ảnh: Đoàn Kết

Hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng để giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch cũng góp phần tạo niềm tin cho khối doanh nghiệp trong nước. Con số 13.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 19.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ngay trong tháng 1 đầu năm đã cho thấy điều đó. Theo Tổng cục Thống kê, không chỉ tăng mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới mà vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 5,8%, đạt mức 14,8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Nếu tính cả 343.800 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5.600 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2022 là 536.100 tỷ đồng, tăng 35,7% so cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu khởi sắc

Hàng triệu tấn hàng hóa đã xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm ngay trong những ngày đầu năm mới, đem đến kỳ vọng năm 2022 sẽ là năm mà xuất khẩu Việt Nam tiếp tục bứt phá.

Từ ngày 1 – 6/2, cảng SP-ITC (TP Thủ Đức, Hồ Chí Minh) đón 8 tàu container xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, trong đó có tàu Honiara Chief xuất khẩu gần 600 container đi trực tiếp đến cảng Seattle (Mỹ), hay tàu Ariana chở hàng xuất khẩu trực tiếp đến Australia. Tại cảng Tân Cảng – Cát Lái, trong những ngày Tết, trung bình cảng đón hơn 10 chuyến tàu/ngày, sản lượng thông qua 118.097 TEU, tương đương hơn 1,65 triệu tấn hàng hóa. Gỗ nội thất, thủy, hải sản, gạo, trái cây, hạt nhựa, may mặc, cao su… tiếp tục là những mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao tại cảng trong những ngày đầu năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu trong năm 2022 của ngành thủy sản, đại diện VASEP cho biết, năm 2022, nhu cầu thực phẩm và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm hàng khách sạn, du lịch hồi phục. Để hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, VASEP cũng đề xuất Bộ Công thương tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, tiếp cận các thị trường tiềm năng, như: Nga, Australia, Mexico…

>> Theo báo cáo của Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2022 ước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước. Thống kê, nhóm nông, lâm, thủy sản đóng góp khoảng 2,67 tỷ USD, tăng 21,4% so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng trong nhóm này có mức tăng cao, như: thủy sản đạt 870 triệu USD, cà phê đạt 395 triệu USD; hạt tiêu đạt 71 triệu USD…

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!