Quy hoạch khơi mở tiềm năng đường thủy

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hệ thống cảng biển và hạ tầng đường thủy nội địa có vai trò to lớn đối với ngành kinh tế thủy sản trong giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao hiệu quả để phát triển hiện đại. Cuối năm 2021, Chính phủ có các quy hoạch chiến lược khơi mở tiềm năng đất nước, đưa đến nhiều kỳ vọng.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển

Ngày 22/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Về năng lực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 – 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 – 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 – 10,3 triệu lượt khách.

Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu). Từng bước phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, phát triển cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ ĐBSCL.

Khu vực ĐBSCL với hơn 28.000 km đường sông, tiềm năng vận tải thủy nội địa rất lớn. Ảnh: CTV

Theo quy hoạch, Hệ thống cảng biển gồm 5 nhóm. Phía Bắc là Nhóm 1 gồm 5 cảng biển; Bắc miền Trung là Nhóm 2 gồm 6 cảng biển; Nam miền Trung là Nhóm 3 gồm 8 cảng biển; Khu vực quanh TP Hồ Chí Minh là Nhóm 4 gồm 5 cảng biển; Vùng ĐBSCL là Nhóm 5 gồm 12 cảng biển.

Theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển có 3 loại. Cảng đặc biệt có 2 cảng ở Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Cảng loại I có 15 cảng; cảng loại II có 6 cảng; cảng loại III có 13 cảng. Trong đó, 3 cảng loại I ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và cảng loại III ở Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt.

Vấn đề quan trọng là hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển đã được quy hoạch đặt ra. Đó là “phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại I trên hành lang Bắc – Nam; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển. Phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển”.

Quy hoạch hạ tầng đường thủy nội địa

Ngày 31/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 1829/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách.

Theo đó, quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy. Gồm 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển); 4 hành lang khu vực miền Bắc; 4 hành lang khu vực miền Nam. Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh. Đồng thời, quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km; Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn.

Khu vực ĐBSCL là vùng nông nghiệp và thủy sản trọng điểm quốc gia, với hơn 28.000 km đường sông, tiềm năng vận tải thủy nội địa rất lớn. Những vướng mắc chính ở ĐBSCL đã được quy hoạch định hướng tháo gỡ, đó là giao thông đường thủy đồng bộ với những phương thức giao thông khác, có sự gắn kết đặc biệt với hàng hải, và để khai thác tiềm năng cần đầu tư tập trung vào công trình trọng điểm. Cả hai quy hoạch đang mở ra lợi thế to lớn cho ngành thủy sản nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!