Top 3 địa phương xuất khẩu tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm là các doanh nghiệp ở Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Trong đó, Cà Mau là thủ phủ của tôm sú, là tỉnh có xuất khẩu tôm sú cao nhất. Sóc Trăng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng (TTCT) nhưng có rất ít tôm sú xuất khẩu. Bạc Liêu là tỉnh xuất khẩu TTCT lớn thứ 3 và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu tôm sú. Nhìn chung 3 tỉnh này chiếm 47% giá trị xuất khẩu tôm của cả nước, trong đó: Cà Mau chiếm 23 – 24%, Sóc Trăng chiếm 19 – 24%, Bạc Liêu chiếm 13%.

Sóc Trăng

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, năm 2021 toàn tỉnh thả nuôi 53.000 ha tôm, vượt gần 4% so với kế hoạch và tăng gần 2,5% so với 2020. Trong đó, TTCT 40.000 ha (75,5% diện tích thả nuôi), tôm sú 13.000 ha.

Mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành nuôi và xuất khẩu tôm của địa phương này vẫn tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, vượt 28% kế hoạch và tăng gần 15% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) đạt 1,03 tỷ USD, tăng gần 23% so với 2020. Kết quả này giúp Sóc Trăng lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm.

Những doanh nghiệp đóng góp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu tôm của Sóc Trăng là Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty TNHH Khánh Sủng, Công ty TNHH Tài Kim Anh, Công ty TNHH Kim Anh, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, Công ty CP Chế biến Thủy sản Út Xi…

Ảnh: Minh Phú

Cà Mau

Sau nhiều năm liền là địa phương dẫn đầu xuất khẩu tôm cả nước, đến nay, xuất khẩu tôm Cà Mau vẫn chiếm vị trí quan trọng nhất trong ngành thủy sản tỉnh với giá trị hơn 1 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 13,9% tỷ trọng xuất khẩu tôm Việt Nam. Tôm Cà Mau hiện đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Giá trị sản xuất của ngành tôm tỉnh Cà Mau chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực NTTS và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau chiếm tới 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước; sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 1 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.

Hiện nay, tôm Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland…). Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn (tôm nguyên liệu)/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P,…).

Bạc Liêu

Năm 2021, NTTS tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh, nhưng nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và kịp thời triển khai các phương án, giải pháp ứng phó, thích nghi nên lĩnh vực này tiếp dẫn đầu và giữ được tăng trưởng khá. Diện tích NTTS thực hiện trong năm là 142.910 ha, đạt 102,24% kế hoạch, tăng 2,27% so với cùng kỳ và cho tổng sản lượng nuôi trồng 295.881 tấn (trong đó, con tôm chiếm hơn 200.910 tấn, tăng 11,58%). Giá trị xuất khẩu tôm năm 2021 của tỉnh đạt trên 755 triệu USD, chiếm 13,4% tỷ trọng xuất khẩu tôm Việt Nam.

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn (chiếm 58%) là thành tích đáng ghi nhận trong cơ cấu sản phẩm ngành nông nghiệp và chiếm 21% cơ cấu kinh tế của Bạc Liêu. Đây được xác định là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế và bổ sung nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng trong hiện tại và tương lai khi Bạc Liêu đang tập trung xây dựng trở thành “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp của cả nước.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!