Một tỷ người đang ăn tôm cá từ khoảng 2.000 hiệp hội và quốc gia có ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Sản lượng đánh bắt ngày càng giảm so với nuôi trồng. Một cuộc cách mạng trong ngành ngư nghiệp thế giới đang diễn ra mạnh mẽ những năm gần đây.
Thị trường cá lấn át
Diễn ra sự thay đổi cơ bản trong văn hóa nông nghiệp, từ khai thác sang nuôi trồng, với hàng loạt sự đổi thay về phong tục, tập quán của người dân vùng biển, từ đánh bắt chuyển sang nuôi trồng. Sau khi xuất hiện dịch bò điên và sự lạm dụng thuốc tăng trọng cũng như thức ăn công nghiệp trong ngành chăn nuôi bò, lợn, gà ở châu Âu và nhiều nước khác, người tiêu dùng đặt niềm tin vào đồ hải sản. Câu hỏi “Ăn cá hay ăn thịt?” được nhiều người trả lời: “Ăn cá”.
Một cảnh tượng đã trở nên quen thuộc: Trong các siêu thị, số lượng quầy bán đồ ăn hải sản đã chiếm tỷ lệ áp đảo so với các loại thực phẩm khác cộng lại. Lượng khách hàng cũng ngày càng đông. Trong các bữa tiệc, những miếng bít tết bò đã dần được thay bằng những miếng cá fillet giá rẻ và những đĩa tôm hấp dẫn. Vị trí con bò, vốn là biểu tượng của ngành nông nghiệp châu Âu, đang được thay bằng hình ảnh con cá. Trong các quán cà phê châu Âu, người ta thường nói với nhau rằng “Ăn cá không chỉ an toàn mà còn làm cho con người đẹp hơn!”.
Thách thức về môi trường
Theo thống kê của một số nhà khoa học thế giới, cứ 3 người có 1 người sống dựa vào thực phẩm sông nước. Các món ăn thủy sản hiện cung cấp 15% nguồn protein cho nhân loại. Tuy vậy, một thách thức không nhỏ với ngành thủy sản là vấn đề môi trường. Sự gia tăng quá nhanh các trang trại nhân tạo mà sự quản lý cũng như nghiên cứu vẫn chưa theo kịp còn dẫn đến sự thoái hóa con giống. Các nghiên cứu cho thấy những dòng sông nơi các loài cá quý hiếm đẻ trứng đều bị đe dọa bởi ô nhiễm và sự cạn kiệt nguồn nước do quá nhiều đập thủy điện cũng như sự khai thác nguồn nước tự nhiên. Các loài cá trong tự nhiên đang biến mất từng ngày.
Sự dựa dẫm quá nhiều vào nguồn hải sản cũng đưa ngành nông nghiệp thế giới vào tình trạng suy thoái chăn nuôi bò, gà, lợn. Việc kiểm soát dịch bệnh trên bò, lợn ngày càng lỏng lẻo hơn, khi mọi chú ý đều dồn vào tôm và cá. Giá gà lợn thương phẩm trên thị trường nhiều lúc bị tôm cá “nghiền nát”, khiến cho việc chăn nuôi không còn hấp dẫn như trước.
Cần cân đối cung cầu
Sự phát triển quá nóng của ngành thủy sản trong thế kỷ 21 đặt ra bài toán về sự cân đối giữa nuôi trồng và nuôi dưỡng tôm cá tự nhiên. Giá thành nuôi trồng ngày càng cao bởi ô nhiễm ngày càng lớn. Chính tôm cá tự nhiên mới cho giá thành hợp lý nhất và nó đáng để người ta phải nuôi dưỡng nguồn lợi này như tập quán nghìn xưa. Tình trạng những con sông hầu như không còn tôm cá là điều rất đáng lo ngại.
Ngành nông nghiệp bền vững cần phải phát triển cân đối hơn. Ngày càng thống thiết tiếng kêu: “Hãy cứu lấy đại dương!”. Người ta cần xuất khẩu cả bò, lợn, gà. Phát triển cả chăn nuôi không đơn thuần là cung cấp cân đối dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà trong một số trường hợp, sự đa dạng sản phẩm cũng giúp người nông dân và ngành nông nghiệp tránh được rủi ro và tận dụng tốt hơn những tiềm năng phong phú của nông thôn (như đất đai, nhân lực, kinh nghiệm).
Nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản nên là chỗ dựa để sản phẩm khác của ngành nông nghiệp tiếp cận được thị trường. Thủy sản như cánh chim đầu đàn, dẫn những sản phẩm phong phú khác của ngành nông nghiệp đến với thế giới. Ngành thủy sản không phải cánh chim đơn lẻ, dù đó là cánh chim báo hiệu mùa xuân.
>> Một số nhà xã hội học châu Âu cho biết, hải sản không chỉ đóng góp lượng protein ngày càng lớn cho người châu Âu mà còn làm thay đổi cả văn hóa ăn uống hằng ngày cũng như cái nhìn về ngành nông nghiệp. |