Gần 80% thị trường ngành thức ăn cho thủy sản rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Tại cuộc họp tổng kết xuất khẩu tôm năm 2012, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bày tỏ lo ngại trước sự sụt giảm nghiêm trọng của ngành tôm, giá trị xuất khẩu giảm 6,6% so với năm 2011. DN đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, nguyên liệu… nhưng nguyên nhân được đề cập nhiều nhất là giá thức ăn thủy sản tăng cao. Hiện phần lớn thị trường này do DN FDI (100% vốn đầu tư nước ngoài) nắm giữ.
Khốn khổ vì phụ thuộc
Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải (Cần Thơ), chia sẻ: “Năm 2012, giá tôm xuất khẩu tại Nhật của DN cao hơn tôm xuất khẩu từ Thái Lan, Ấn Độ 2-3 USD/kg. Lý do là chi phí thức ăn tăng, chiếm hơn 70% giá sản xuất, nếu hạ giá cho bằng họ thì lỗ nặng!”.
Khi ông Thanh sang tìm hiểu ngành xuất khẩu tôm ở Ấn Độ, Thái Lan thì thấy các nhà máy thức ăn chăn nuôi, thủy sản đều do DN nội địa nắm giữ nên giá bán thấp, ít khi tăng giá. Thế nhưng phần lớn ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản Việt Nam lại đang rơi vào tay DN FDI, giá luôn cao hơn so với các nước khác.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết chỉ với bốn DN FDI đã chiếm hơn 80% thị trường thức ăn thủy sản. Riêng ngành cá tra, 70% nông dân và DN đều sử dụng thức ăn của DN FDI. Trong năm 2012, giá thức ăn thủy sản tăng sáu lần, khoảng 25%. “Đồng ý nguyên liệu đầu vào tăng nên giá phải tăng nhưng khi giá nguyên liệu giảm thì giá lại không giảm. DN không chấp nhận thì biết mua ở đâu thấp hơn để duy trì đàn cá, đàn tôm?” – ông Đạo bức xúc.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết hiện thức ăn cho tôm thì 100% do các DN FDI nắm như Uni-President (Đài Loan), CP (Thái Lan), Tomboy (Pháp)… Bên thức ăn cho cá tra có Cargill (Mỹ), Green Feed, Proconco (liên doanh với Pháp), Anova… chiếm 65%-70%. DN FDI rất biết cách tăng giá bán đúng luật, tăng nhiều lần trong năm nhưng thường chỉ ở mức 30%-35% chứ không tăng quá 50% để bị phạt và lựa thời điểm giá xăng dầu, điện… tăng để “té nước theo mưa” khiến khách hàng phải chấp nhận.
“Việc quá phụ thuộc vào thức ăn của DN FDI đã làm đội chi phí của DN thủy sản, làm tăng giá bán và giảm sức cạnh tranh. Từ đó, DN khó kiểm soát được chất lượng thức ăn kéo theo việc vi phạm các hàng rào kỹ thuật về chất lượng khi xuất khẩu” – ông Thắng nhận xét.
Thua từ nhiều phía
Tại sao DN FDI tấp nập đầu tư xây nhà máy sản xuất thức ăn cho thủy sản còn DN nội thì lẹt đẹt và đang teo dần? Ông Thắng cho rằng nguyên nhân là DN sản xuất thức ăn lẫn DN nuôi trồng chế biến thủy sản trong nước đều thiếu vốn. Trong khi đó, DN FDI có nguồn vốn mạnh từ công ty mẹ. Hơn nữa, thương hiệu và chất lượng sản phẩm của họ tốt hơn nên nông dân, DN sẽ chọn mua.
“So sánh DN sản xuất chế biến thức ăn thủy sản nội với FDI như so voi với chuột. DN nội quá yếu, trang thiết bị kỹ thuật không đủ, chất lượng không bằng, dịch vụ kém, trình độ quản lý thấp. Thấy DN FDI tăng giá thì hùa theo thôi” – ông Đạo, Công ty Gò Đàng, bộc bạch.
Bên cạnh đó, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho biết DN FDI đã chiếm trọn các hợp đồng lớn, bao tiêu gần như toàn bộ theo chu kỳ sản xuất khép kín. Vì vậy, DN nội chỉ còn lại hợp đồng nhỏ, đồng nghĩa với quy mô sản xuất thu nhỏ, hoạt động cầm chừng.
Tự sản xuất để cứu mình trước
Cũng theo ông Lịch, trước tình hình đó nhiều DN xuất khẩu thủy sản vẫn sống tốt nhờ tự sản xuất thức ăn thủy sản như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Hùng Vương, Gò Đàng… Các DN lớn này đã xây nhà máy sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí mua thức ăn giá cao từ DN FDI, từ đó giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. “DN tự xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho thủy sản sẽ kiểm soát được cả giá thành và chất lượng, truy xuất nguồn gốc thức ăn để không bị dính chất cấm mà các nước nhập khẩu đưa ra, giảm giá thành 5%-7%” – ông Đạo, Công ty Gò Đàng, cho biết thêm.
Việc DN xuất khẩu thủy sản tự xây nhà máy theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, là cách hay nhưng cái khó chính là vốn. Những DN làm được phải có vốn lớn và liên kết đầu tư với DN FDI.
Do đó, giải pháp làm được và cần làm ngay theo ông Thắng, Hội Nghề cá Việt Nam, là trách nhiệm điều hành quản lý giá thức ăn chăn nuôi thủy sản từ các cơ quan chức năng. Nhiều DN thủy sản cho rằng hiện nay việc quản lý giá thiếu chặt chẽ, dường như các cơ quan chức năng mải lo kiểm soát sự tăng giá của xăng dầu, gas, điện mà quên đi giá thức ăn thủy sản. Hiệp hội cũng không thấy đâu. “Giá thức ăn thủy sản không hề giảm, mỗi năm đều tăng, DN lên tiếng mà chẳng cơ quan nào kiểm tra” – ông cho biết.
>> Nên điều tra chuyển giá các DN FDI thức ăn thủy sản
Theo phản ánh của nhiều DN thủy sản, thời gian qua, quản lý nhà nước đã bỏ qua những DN FDI sản xuất thức ăn cho thủy sản dẫn đến giá sản phẩm tăng liên tục, từ đầu năm đến giờ tăng hơn 30%. Dù đang “độc bá” thị trường nhưng các DN này đều “kêu” nếu không tăng giá sẽ thua lỗ vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm thì không thấy họ giảm giá, chưa bao giờ giá giảm trong mấy năm qua. Do đó, các DN đề nghị cơ quan chức năng điều tra tài chính những DN FDI có dấu hiệu báo lỗ giả, chuyển giá để tránh thất thu thuế.