(TSVN) – Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá đã giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc đối với các phương tiện cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Các địa phương ven biển đã và đang tích cực triển khai, hoàn thiện việc lắp đặt GSHT cho các tàu cá.
Là một trong ba địa phương có số lượng tàu thuyền tham gia khai thác đánh bắt hải sản trên biển lớn nhất của cả nước, hoạt động ở nhiều ngư trường, với nhiều ngành nghề khác nhau; nên để quản lý chặt chẽ phương tiện khai thác hải sản, tỉnh Bình Thuận đã có thống kê, triển khai kế hoạch lắp đặt thiết bị GSHT đối với tàu cá. Theo đó, toàn tỉnh có 1.920 tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, với sự chủ động, tích cực trong tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.781/1.920 tàu cá tiến hành lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá theo quy định. Ngư dân Nguyễn Hùng Dữ (xã Long Hải, huyện Phú Quý) chia sẻ, ông thường xuyên cập nhật thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới trên biển cũng như được hướng dẫn di chuyển đến vùng an toàn. Sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của mình, ngư dân này có thêm một kênh tiếp nhận thông tin tin cậy. Không chỉ nhắc nhở cho ngư dân biết vị trí, vùng biển mình đang khai thác hải sản, thiết bị GSHT còn thường xuyên nhắn để ngư dân biết về tình hình thời tiết trên các vùng biển. Điều đó giúp họ chủ động hơn để ứng phó với thời tiết trong quá trình đánh bắt.
Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị GSHT, giúp nâng cao hiệu quả khai thác và nhanh chóng gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC. Ảnh: VOV
Cũng đánh giá cao hiệu quả của việc lắp đặt GSHT, ngư dân Trần Văn An (tại ấp Hải An, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có 2 tàu đánh bắt xa bờ cho biết, bao nhiêu năm làm nghề đánh bắt trên biển tự do nên ban đầu ngư dân thực hiện việc ghi chép, báo cáo còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi thiết bị được lắp đặt, ông lại thấy được sự hữu ích mà thiết bị này mang lại. Trong đó, hiệu quả nhất vẫn là được lực lượng chức năng nhắc nhở, hỗ trợ khi tàu có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước bạn, hay nếu trường hợp gặp tai nạn, mưa bão cần sự giúp đỡ, thiết bị sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí của tàu cá nhanh và chính xác hơn, nhờ đó tàu cá và ngư dân được an toàn hơn. Do vậy, các ngư dân thường xuyên nhắc nhau tuân thủ vùng đánh bắt, không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến tháng 2/2022, số lượng tàu khai thác vùng khơi đã lắp thiết bị GSHT của tỉnh là 2.571. Trong đó, số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên đã lắp đặt là 270. Ngoài ra, đã có 829 tàu cá lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700. Nhờ đó, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp đã giảm đáng kể.
Bên cạnh những hiệu quả thiết thực mà các thiết bị GSHT mang lại trong hoạt động khai thác thủy sản, thì theo phản ánh của các ngư dân, nhiều tàu cá hoạt động ở vùng khơi, vùng lộng ở các địa phương ven biển đã được lắp đặt thiết bị GSHT hoạt động trên biển nhưng không đăng ký sử dụng tần số cho các loại máy bộ đàm và mỗi tàu lại sử dụng một tần số khác nhau, một số ngư dân có đăng ký tần số nhưng không sử dụng… nên việc quản lý tần số máy thu phát sóng của ngư dân trên biển gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết diễn biến bất thường.
Anh Ðiêu Thanh Tùng (khóm 4, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Ma) bức xúc chia sẻ: “Tôi có 2 phương tiện đánh bắt chiều dài trên 15 m, chỉ đánh cá, mực quanh Hòn Khoai, Hòn Chuối; mỗi con nước ra khơi khai thác chỉ có 7 ngày là vào đất liền. Nhưng qua vận động của cán bộ địa phương, tôi đã lắp thiết bị cho 2 phương tiện. Tuy nhiên, việc lắp đặt cũng tốn rất nhiều tiền mà thiết bị cứ trục trặc liên tục. Hết thời gian bảo hành là hư, vừa tốn tiền thay mới, vừa tốn chi phí ra vào trong thời gian đánh bắt. Cứ ra đánh bắt vài ngày là mất kết nối. Phía kiểm ngư không kiểm tra được lại gọi vào, vì cho rằng mình đi khai thác trái phép hoặc cố tình tháo thiết bị làm mất kết nối. Nếu phương tiện không vào bờ khắc phục thì bị phạt. Mà phạt thì đến mấy chục triệu đồng”.
Ông Lê Bá Lực, Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, đơn vị đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai thực hiện hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn, cấp giấy phép, gia hạn sử dụng thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị GSHT cho các chủ tàu cá ngay tại địa phương theo quy định mới. Tập trung phổ biến cho ngư dân những quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá; hướng dẫn sử dụng các tần số liên lạc trong những trường hợp cấp bách với tần số liên lạc của đồn biên phòng, các tần số gọi cấp cứu hàng hải của Việt Nam và quốc tế…; những quy định và cách thức sử dụng chung tần số trong thông tin liên lạc giữa các phương tiện nghề cá với nhau giúp cho ngư dân được sử dụng tần số một cách hợp pháp, đúng quy định góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển.
Với mục tiêu khắc phục IUU, cùng cả nước hoàn thành gỡ “thẻ vàng”, tạo điều kiện quan trọng để ngành thủy sản tăng trưởng bền vững theo chiến lược phát triển kinh tế chung của địa phương; ngành chức năng Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp tổ chức các đoàn công tác xuống tận cấp xã để hỗ trợ ngư dân rà soát, hoàn thiện thủ tục đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho số tàu cá còn lại; đảm bảo các tàu cá đồng bộ dữ liệu hệ thống giám sát, vận hành thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm, đặc biệt đối với các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp…
An An