(TSVN) – Giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào sản xuất tăng cao nhưng giá bán ra hay xuất khẩu không tăng, khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp vô vàn thách thức. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển, hỗ trợ vốn vay, phát triển hệ thống logistics…
Hiện, nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đang phải tìm mọi giải pháp giải bài toán thị trường khi chi phí nguyên vật liệu ngày một leo thang. Cộng đồng doanh nghiệp vừa phải không ngừng nỗ lực phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau hai năm bị “đóng băng” bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, vừa phải bám sát thị trường giá cả trong và ngoài nước để kịp thời ứng phó với việc giá nhiều mặt hàng đặc biệt đang “nhảy múa” từng ngày hay theo từng đợt điều chỉnh, phiên giao dịch định kỳ.
Theo ghi nhận, mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển TP Hồ Chí Minh: Với hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, quá cảnh và chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng một tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 2,2 triệu đồng/container 20 feet. Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài thành phố thu 500.000 đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet và 30.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh thu số tiền phí thấp hơn một nửa so với mức trên.
Theo các doanh nghiệp thủy sản, việc vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP Hồ Chí Minh là chưa phù hợp, làm tăng gánh nặng về chi phí, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn và chưa thực sự phục hồi. Như chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa), doanh nghiệp đang đối diện với vô vàn khó khăn về chi phí như: chi phí cước tàu biển tăng phi mã từ 2021 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; giá xăng dầu leo thang chưa có tiền lệ, làm cho chi phí vận chuyển nội địa đồng loạt tăng theo; dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn hàng ngày phải chi nhiều khoản chi phí phòng dịch để cố gắng duy trì sản xuất… Theo đó, với mức thu phí của TP Hồ Chí Minh đã đưa ra đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh, doanh nghiệp này sẽ phải chịu mức phí là 1 triệu đồng/container xuất nhập khẩu, với quy mô xuất, nhập khẩu 400 – 450 container/năm thì khoản phí mà Công ty phải chịu thêm là từ 400 – 450 triệu đồng/năm.
Việc khởi động thực hiện triển khai thu phí hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh sẽ gia tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Ảnh: VOV
Bên cạnh đó, giá xăng dầu gần đây liên tục được điều chỉnh tăng theo đà tăng của thế giới đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lo ngại việc các doanh nghiệp vận tải, logistics… phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và giá thành sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Nghi Sơn chia sẻ, giá xăng ngay lập tức tác động đến đời sống của hơn 500 công nhân Nhà máy sản xuất của Công ty. Các công nhân đều phàn nàn và yêu cầu doanh nghiệp trợ cấp tiền xăng bởi số tiền tăng thêm đã lên đến vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên sử dụng xăng dầu cho công tác vận chuyển, đi lại và các chi phí khác. Chưa kể, chi phí thuê container, giá dịch vụ logistics cũng đều tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp… việc UBND TP Hồ Chí Minh khởi động thu phí cảng biển tại thời điểm hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi lo lắng khi gánh nặng về chi phí tiếp tục hiện hữu.
Ngày 1/3/2022, 7 hiệp hội doanh nghiệp là VASEP, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh về việc chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND. Theo các hiệp hội, việc thu phí này đang tạo ra các bất hợp lý như: Thời điểm áp dụng chưa phù hợp; mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện; việc sử dụng ngân sách thu được chưa được công khai, minh bạch và dẫn đến việc “phí chồng phí” đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; đóng phí hai lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Trước thực trạng giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, các doanh nghiệp kiến nghị chính quyền TP Hồ Chí Minh cần xem xét hoãn hoặc dời thời gian triển khai thu những lệ phí mới tại khu vực hạ tầng cảng biển trong xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh nên tiếp tục phát huy vai trò đầu mối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xúc tiến thương mại, liên kết vùng, xuất, nhập khẩu…
Vân Anh