(TSVN) – Trong NTTS, chất lượng đất và nước nhiều khi quyết định kết quả đạt được cao hay thấp, thậm chí là thành hay bại. Không ít vùng đất mới mở ra nuôi thủy sản đạt kết quả cao nhưng chỉ sau thời gian ngắn hiệu quả kinh tế giảm xuống rất thấp, thua lỗ do đất bị ô nhiễm sinh ra nhiều dịch bệnh.
PGS.TS Cao Việt Hà ở Khoa Tài nguyên và Môi trường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích, thời gian qua công tác quản lý đất mới tập trung về số lượng, diện tích và chưa có các chính sách thỏa đáng để quản lý về chất lượng. Chất lượng đất nông nghiệp đang suy thoái, ô nhiễm do nhiều nguyên nhân nhưng chưa có các chính sách phù hợp, những giải pháp đồng bộ đúng đắn, kịp thời để ngăn ngừa. Trong đó, NTTS vốn rất nhạy cảm với chất lượng đất đã bộc lộ rõ sự hạn chế trong quản lý. Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp và thủy sản hiệu quả, sinh thái, bền vững cần chú trọng xây dựng các chính sách đồng bộ khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai, đồng thời bảo vệ và duy trì chất lượng đất.
Quả thật, Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, sau gần 10 năm đã thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước phát triển. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ những hạn chế là tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, thủy sản, thiếu quan tâm bảo vệ chất lượng đất.
Trong ngành tôm, nhiều năm qua đã bức xúc về tích tụ đất để xây dựng các vùng nuôi rộng lớn có điều kiện đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta bày tỏ, ngành tôm cần có những vùng nuôi hàng trăm hecta thực hiện các quy trình ASC, BAP. Cơ sở nuôi lớn và vùng nuôi được quy hoạch sẽ giảm rủi ro lây nhiễm chéo dịch bệnh, được cung ứng đủ nước, xử lý nước thải hạn chế tác động xấu môi trường, là những điều kiện tối cần thiết để bảo vệ chất lượng đất và nước, góp phần vào phát triển xanh.
Nhằm giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề xuất: “Thành lập các trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp để phục vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có nhu cầu. Đây là một mô hình hay mà chúng ta nên nghiên cứu. Nếu doanh nghiệp thiếu đất thì có thể giao dịch, trao đổi với nông dân hoặc các hợp tác xã”. Phó trưởng Ban Kinh tế của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Tiến Cường đồng quan điểm, phát triển trung tâm giao dịch, chuyển nhượng đất nông nghiệp để đẩy mạnh việc mở rộng hạn điền, hình thành thị trường sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu thế mới.
Đưa đất nông nghiệp lên sàn giao dịch, theo nhiều chuyên gia sẽ chắp cánh một Nghị quyết mới về “tam nông”. Nghị quyết mới đảm bảo mở rộng quy mô sản xuất lâu dài để quản lý đất tốt hơn cả về số lượng và chất lượng, qua đó phát triển kinh tế nông nghiệp và thủy sản nước nhà lên tầm cao mới.