Người nuôi lo lắng trước vụ tôm mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao kỷ lục kéo theo các chi phí thức ăn, nguyên liệu đầu vào, vật tư nuôi tôm tăng cao. Trong khi đó, giá tôm lại có xu hướng giảm khiến người nuôi tôm ngại cải tạo ao để thả nuôi vụ mới.

Chi phí nuôi tăng cao

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn tôm đã được điều chỉnh tăng khá cao, mức tăng từ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Những ngày qua giá xăng tăng cao càng khiến giá thức ăn nuôi tôm bị đẩy cao hơn nữa, tăng thêm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Thực tế này đẩy người nuôi tôm vào tình cảnh khó khăn khi mà phải gồng thêm nhiều khoản chi phí tăng bất ngờ.

Không chỉ chi phí thức ăn, chi phí cải tạo ao nuôi cũng tăng cao. Các hộ nuôi thường sử dụng máy cuốc đất để cải tạo đáy ao, chi phí nguyên liệu vận hành máy đã tăng lên tới 20% so với mọi năm. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân nuôi tôm, sau một vụ nuôi thì lượng chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh… đều tích tụ ở đáy ao. Do đó, nếu quá trình cải tạo ao không kịp thời sẽ là nguyên nhân khiến tôm chậm phát triển và xảy ra một số loại bệnh.

Hơn nữa, việc giá xăng, dầu tăng cao khiến cho chi phí vận chuyển thức ăn nuôi tôm, vật tư đầu vào cũng tăng theo. Trung bình người nuôi tôm phải chịu chi phí tăng thêm khoảng 7 – 10%…

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm người nuôi tôm sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, vuông, chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, với việc giá xăng tăng cao kéo theo chi phí thuê cơ giới cải tạo tăng khiến cho nhiều hộ nuôi tôm chưa dám tái vụ.

Chi phí tăng nhưng giá tôm lại giảm

Trong khi giá vật tư, thức ăn và chi phí cải tạo ao, vuông tăng cao thì giá tôm lại sụt giảm mạnh. So với thời điểm trước khi giá xăng tăng 3 lần thì tôm sú giảm từ 30.000 – 50.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg. Với mức chi phí tăng quá cao, trong khi giá tôm lại có chiều hướng xấu khiến người nuôi tôm không khỏi lo lắng.

Cụ thể, tại các tỉnh ĐBSCL, tôm sú loại 30 con/kg hiện có giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm sống khoảng 220.000 đồng/kg; loại 20 con/kg giá 240.000 – 250.000 đồng/kg, tôm sống khoảng 300.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg giá 155.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 135.000 – 140.000 đồng/kg.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp các tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở khu vực ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu đang yêu cầu các địa phương đẩy mạnh những hình thức liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành vùng sản xuất tập trung, làm đầu mối liên kết, giảm trung gian, hạ giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành chức năng các tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu không được lợi dụng đẩy giá để trục lợi.

Ngoài ra, ngành chức năng cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiếm xăng dầu gây khó cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bình An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!