3 tháng đầu năm, tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,45%

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,45%.

Trong quý I, sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi; năng suất lúa vụ mùa tăng 7,4 tạ/ha, chăn nuôi dần phục hồi; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra tăng mạnh, được mùa, được giá. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trở lại trong tháng 3. Tuy nhiên, cũng theo Nghị quyết, trong quý này, sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; áp lực lạm phát gia tăng, nhất là do giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là xăng dầu, thức ăn chăn nuôi tăng cao. 

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo; khả năng phục hồi của kinh tế thế giới khó khăn hơn và dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2021. Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan ngày càng khó lường, tác động ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống… Do vậy, thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đưa ra, trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; khuyến kích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.

Bộ Công thương tăng cường thực hiện các biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, có biện pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, nhất là hàng nông sản. Cùng đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản có kim ngạch nhập khẩu lớn (như ngô, đậu tương…) để chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, góp phần giảm nhập siêu. Kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách hiệu quả để khuyến khích hoạt động chế biến, bảo quản hàng nông sản phục vụ xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp…

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!