(TSVN) – Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, tại khu vực các tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến 200 – 500 mm, có nơi tới trên 750 mm. Đây là đợt mưa lũ bất thường ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, nhà cửa, đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Từ ngày 31/3 đến 2/4, mưa lũ dị thường, trái mùa khiến nhiều địa phương ở miền Trung thiệt hại nặng nề. Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ gây ngập úng hơn 13.500 ha lúa, hoa màu và làm thiệt hại gần 200 ha NTTS ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị; khoảng 800 nhà dân, chủ yếu ở huyện Hải Lăng, bị ngập.
Tại Thừa Thiên – Huế, mưa lũ, lốc xoáy đã làm 27 căn nhà tốc mái, 4 người bị thương. Cơn lũ trái mùa đã làm khoảng 20.090 ha lúa bị ngập úng, trong đó 12.502 ha ngập nặng; 2.400 ha rau màu, cây ăn quả cũng bị ngập; nhiều quai đê nội đồng bị hư hại. Hiện nay, nhiều khu vực, tuyến đường giao thông huyết mạch ở khu vực thấp trũng tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền còn bị ngập sâu trong nước như Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 8A…; có nơi ngập đến 0,5 m, giao thông gián đoạn.
Tại tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có trên 117 ghe, tàu đánh cá công suất nhỏ (chiều dài dưới 15 m) của ngư dân 4 địa phương ven biển (Tuy Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu) bị gió lốc, sóng biển đánh chìm; 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị trôi dạt, 14 nhà ở của người dân bị sập đổ, tốc mái; 15.700/26.666 ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn chín sáp, sắp thu hoạch bị ngập nước, ngã, đổ; 508 ha rau màu bị ảnh hưởng. Huyện Tuy An có một người tử vong. Sau 2 ngày bị gió lốc, sóng biển tàn phá, tàu cá, lồng bè nuôi tôm, ngư cụ của ngư dân ở làng biển An Hòa Hải, huyện Tuy An hư hại nặng vẫn còn nằm ngổn ngang dọc bãi cát dài. Ngư dân Nguyễn Thanh Nguyên (trú xã An Hòa Hải) cho biết, để mưu sinh, anh và anh trai cùng nhau góp 600 triệu đồng để đóng con tàu 90CV vươn khơi, bám biển. Như mọi ngày, sau mỗi lần vươn khơi, tàu của anh Nguyên neo đậu tại khu vực Hòn Yến (xã An Hòa Hải). Mỗi đêm, anh Nguyên vẫn thường ra tàu vừa ngủ vừa giữ tài sản. Nhưng rạng sáng 31/3, gió và sóng biển lớn bất thường khiến con tàu lật úp, sau đó tàu bị đánh tan tành, hư hỏng gần như hoàn toàn. Ngoài tàu, thuyền bị hư hại, các lồng nuôi tôm hùm cũng bị sóng đánh rách toạc khiến tôm chết hoặc bơi ra ngoài biển thất thoát. Ngư dân mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ lại chút ít tiền vốn. Về chính sách, mong được giãn nợ, giảm lãi suất và hỗ trợ vay vốn trở lại để có điều kiện tái sản xuất.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, sóng to, gió lớn bất thường vào sáng 31/3 đã đánh chìm 77 phương tiện đánh bắt của ngư dân ven biển, thiệt hại ước tính gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn có hơn 14.000 ha lúa sắp thu hoạch bị đổ ngã, 750 ha lúa và hơn 2.000 ha hoa màu bị ngập úng. Hiện các địa phương tại tỉnh Bình Định đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, đợt mưa lớn kèm theo gió lốc trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua ở Phú Yên, Bình Định, có thể gọi là hiện tượng thời tiết dị thường. Hiện tượng này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng La Nina. Trước đó vào ngày 28/3, các cơ quan cảnh báo của Trung ương đã có chỉ đạo, cảnh báo cho các địa phương. Tuy nhiên, đối với ngư dân vẫn có yếu tố bất ngờ, bởi đã bước vào mùa khô và đang là đầu vụ đánh bắt nhưng lại nhận một đợt mưa rất lớn, gió lốc khiến người dân không kịp trở tay, dẫn đến thiệt hại nặng hơn cả một cơn bão cấp 11 – 12. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, tới đây công tác cảnh báo phải làm rõ được gió cấp mấy, đường đi của gió như thế nào, có gió xoáy, lốc hay không. Từ dự báo này, chính quyền địa phương phải chủ động, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, chuyển tải sớm cho ngư dân, có như vậy mới giảm được thiệt hại do thiên tai.
Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp với địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.
>> Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: “UBND tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng, có giải pháp về nguồn vốn nhằm tạo ra khả năng phục hồi và phát triển sinh kế đối với người dân như xem xét các quy định của Nhà nước để thực hiện việc cho vay, khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân. Mặt khác, ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy nhanh việc quy hoạch, cơ cấu lại vùng nuôi, vật liệu NTTS cho phù hợp để bảo đảm an toàn và có khả năng chống chịu với những diễn biến thất thường của thiên tai hằng năm”.
Hải Lý