Cấp bách bảo vệ môi trường ao nuôi tôm, cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề về ngành tôm thời gian gần đây, một trong những vấn đề “nóng” được các nhà khoa học, nhà quản lý và người nuôi hết sức quan tâm là làm sao bảo vệ được môi trường vùng nuôi, để đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả và bền vững.

Môi trường nuôi suy thoái

Hiện nay môi trường nuôi tôm đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát như vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động nuôi tôm không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh; bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ảnh hưởng không ít đến ngành tôm…

Thời gian qua, trên địa bàn tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt nuôi tôm theo hình thức thâm canh nhưng chủ yếu là tự phát. Thực tế, các đầm tôm được người dân nối trực tiếp ra sông để xả nước thải, không có bể chứa. Có nhiều trường hợp đục, khoan đê để nối ống dẫn nước thải. Theo UBND huyện Hoằng Hóa, việc nuôi tôm chủ yếu tự phát, công tác quản lý đất đai, xây dựng, môi trường và quy trình nuôi thủy sản nước lợ thiếu chặt chẽ dẫn đến tiềm ẩn nhiều hệ lụy về sau. Trước thực tế này, UBND huyện yêu cầu các phòng chuyên môn, các xã trên địa bàn rà soát chấn chỉnh lại toàn bộ các công việc này.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết, hiện nay, đa phần các vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao tại địa phương hầu như chưa có hệ thống kênh rạch riêng biệt, để cung cấp cho nguồn nước lấy vào và nguồn nước thải ra. Nguồn nước trong kênh “hòa trộn” vào môi trường tự nhiên, rất dễ làm cho mầm bệnh lưu tồn quanh năm trong môi trường nước, đất… Từ đó, gây bất lợi cho các hộ nuôi tôm (chủ yếu nuôi bán thâm canh hay nuôi quảng canh), nhất là tại các khu vực chưa được đầu tư tốt về ao hồ, trang thiết bị, kỹ thuật. Hiện việc quản lý và bảo vệ môi trường đối với cấp huyện chủ yếu dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền với người nuôi thực hiện đúng theo các cam kết về bảo vệ môi trường trong đăng ký nuôi tôm thâm canh mật độ cao; vận động các hộ nuôi cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường và chất thải được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường tự nhiên.

Đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng nuôi tôm là yêu cầu bứt thiết hiện nay, để hướng tới sự phát triển bền vững của ngành tôm. Ảnh: Thanh Cường – Bùi Định

Tại tỉnh Bạc Liêu, theo ghi nhận, những năm gần đây, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh khoảng vài chục ha, nhưng đến nay nhờ nuôi hiệu quả, người nuôi có lãi cao nên mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được nhân rộng. Đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã vượt qua con số 2.000 ha, với sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Thực tế các hộ nuôi tôm siêu thâm canh xây dựng đúng quy trình hoàn chỉnh khu nuôi, đảm bảo xử lý chất thải còn hạn chế, chỉ chiếm số ít. Đa số các hộ nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến các tuyến kênh trong khu vực có hộ nuôi tôm siêu thâm canh bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của các hộ nuôi tôm xung quanh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam về những khó khăn, thách thức của ngành tôm, ông Dương Thành Trung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thẳng thắn cho biết: “Cái khó lớn nhất của nghề nuôi tôm hiện nay là vấn đề môi trường. Do đó, việc kiểm soát môi trường là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần chung tay xử lý môi trường nuôi tôm chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Việc này ngày càng nóng bỏng, bởi các mô hình nuôi tôm thâm canh lót bạt 2 – 3 giai đoạn, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… ngày càng phát triển mạnh”. Ông Trung chia sẻ: “Có trực tiếp cùng người nuôi tôm chúng ta mới thấy hết nguy cơ của ô nhiễm môi trường đối với nghề nuôi. Nếu như trước đây chỉ có tình trạng bơm bùn ra sông rạch, thì ngày nay còn có thêm tình trạng xả thải (chất thải và nước thải nuôi tôm – NV) chưa qua xử lý, nguồn thải từ các mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Số diện tích này hiện chưa lớn, nhưng lượng xả thải là không nhỏ qua hệ thống xi phông đáy ao mỗi ngày”.

Vấn đề ông Trung đặt ra là hoàn toàn có sở và rất đáng được quan tâm trong mục tiêu phát triển ngành tôm hiệu quả và bền vững. Thực tế cho thấy, ngoài số trang trại của người nuôi, hay doanh nghiệp có diện tích và quy mô nuôi lớn có hệ thống xử lý chất thải, nước thải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được quản lý chặt chẽ từ ngành chức năng; còn lại phần lớn nguồn xả thải từ nghề nuôi tôm hiện nay hầu như ngoài tầm kiểm soát, kể cả nuôi siêu thâm canh.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh tại Cà Mau chưa đầy 10% tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh, nhưng do phân tán rải rác khắp các vùng nuôi, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất cao và một khi phát sinh dịch bệnh sẽ rất khó xử lý.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, PGS.TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã cảnh báo cho cả mô hình lúa – tôm, rằng: “Lúa đã thơm nhưng tôm chưa chắc đã sạch. Đó là do việc thiết kế ao nuôi chưa đạt yêu cầu quy trình nuôi, xử lý nước cấp và nước thải sau thu hoạch chưa đúng yêu cầu kỹ thuật”.

Với tỷ lệ thành công rất cao từ mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn, những năm gần đây, xu thế chuyển đổi sang mô hình này tại các tỉnh nuôi tôm trọng điểm khu vực ĐBSCL, như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… đang ngày càng gia tăng. Cũng theo ông Sử, những mô hình nuôi công nghệ cao quy mô nhỏ thường nằm đan xen trong các vùng nuôi khác, nên việc quản lý nguồn xả thải là hết sức khó khăn. Còn tại Sóc Trăng, nơi có diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh lớn nhất nước cũng đang gia tăng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với đủ các cấp độ, nên vấn đề quản lý nguồn xả thải cũng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Tập trung quy hoạch vùng nuôi

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương vùng nuôi tôm ĐBSCL đều có chung kiến nghị, cần sớm có giải pháp xử lý triệt để công tác môi trường vùng nuôi tôm ngay từ bây giờ để đảm bảo an toàn cho người nuôi tôm ở hiện tại lẫn lâu dài. Một trong những giải pháp được đề xuất là Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ các địa phương để sớm hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi thâm canh, siêu thâm canh và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đủ sức phục vụ cho những vùng nuôi này.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới Bộ sẽ huy động nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng các vùng trọng điểm sản xuất tôm giống, vùng nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao các tỉnh ven biển ĐBSCL. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến từng nhấn mạnh, muốn phát triển ngành tôm một cách bền vững, chắc chắn phải có giải pháp để xử lý môi trường tại vùng nuôi. Hiện nay, để sản xuất 1 kg tôm thì phải thải ra môi trường mấy trăm gram bùn thì rất khó kiểm soát môi trường, kiểm soát nguồn gây bệnh. Cùng đó, Tổng cục Thủy sản phải nghiên cứu để xây dựng một đề án xử lý môi trường cho vùng nuôi tôm gắn với phát triển hạ tầng, để xử lý triệt để vấn đề này, không thể để chất thải từ ao này chảy sang ao khác.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ, theo quy hoạch không gian sử dụng đất và đặc biệt là quy hoạch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai chúng ta phải định hình lại để từ đó thiết kế hạ tầng thủy lợi phục vụ cho NTTS một cách tốt hơn. Có hạ tầng tốt mới khai thác hết tiềm năng, lợi thế của NTTS.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!