(TSVN) – Mới đây tại Kiên Giang, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản, Viện Hải dương học và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tổ chức “Tập huấn Tích hợp Nâng cao năng lực quản lý hiệu quả Mạng lưới Khu Bảo tồn biển/Vườn quốc gia tại Việt Nam.
Vai trò của các Khu Bảo tồn biển/Vườn quốc gia trong việc giải quyết những vấn đề môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa vô cùng quan trọng. Sự vào cuộc chủ động, tích cực của mạng lưới các Khu Bảo tồn biển sẽ góp phần tích cực vào việc khôi phục hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, môi trường sống, bãi đẻ của các sinh vật biển…
Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Ảnh: Internet
Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 12/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% các Khu Bảo tồn biển không còn rác thải nhựa và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100%. Cùng đó, Bộ NN&PTNT cũng xác định đến năm 2025, 100% các Khu Bảo tồn biển xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa.
Dựa trên nhu cầu của các Khu Bảo tồn biển/Vườn quốc gia và với mục đích nâng cao năng lực quản lý hiệu quả mạng lưới, chương trình tập huấn tích hợp đã được tổ chức trong 10 ngày với sự tham gia của 11 Khu Bảo tồn biển/Vườn quốc gia trên khắp Việt Nam. Nội dung chính của tập huấn bao gồm: Bảo tồn và cứu hộ rùa biển, động vật biển, tập huấn kỹ năng cứu hộ động vật biển trên biển; Giám sát rạn san hô bằng kỹ thuật Reef Check và các vấn đề môi trường mới nổi (sự axit hóa đại dương, vi nhựa) liên quan đến các rạn san hô, giám sát rạn san hô dựa vào cộng đồng; Giám sát rác thải nhựa trên mặt nước và bề mặt rạn san hô, tập huấn kỹ năng tháo gỡ lưới ma trên rạn; Tập huấn kỹ năng lặn và các thao tác dưới nước được thành thạo cho công tác cứu hộ, giám sát…
Chương trình tập huấn đã cung cấp cho các học viên những kiến thức mới và sát với thực tế, giúp học viên sau khi hoàn thành khóa tập huấn có thể áp dụng vào quản lý và thực hành tại các Khu Bảo tồn biển/Vườn quốc gia trên cả nước.
PV