(TSVN) – Cùng với con tôm, cá tra là ngành hàng có sự bứt tốc mạnh mẽ nhất trong những tháng đầu năm với nhiều tín hiệu khả quan về giá và thị trường xuất khẩu. Giá tăng cao đem đến nhiều phấn khởi cho người nuôi, nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe cho việc xây dựng ngành hàng hay vấn đề định vị thương hiệu.
VASEP cho biết, trong quý I/2022, xuất khẩu cá tra đạt 646 triệu USD, tăng 88% so cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 27% giá trị thủy sản xuất khẩu. Tháng 4, xuất khẩu cá tra vẫn duy trì đà tăng trưởng và giá cá tra nguyên liệu đã chạm mốc 32.000 đồng/kg, một số nơi cao hơn, tăng 25% so cuối năm 2021. Với giá hiện nay, người nuôi lãi khoảng 7.000 đồng/kg. Mấy tháng qua, giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục và ngành cá tra cũng đã hồi phục mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm.
Ông Nguyễn Thành Sơn nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang) chuẩn bị thu hoạch 200 tấn cá cho biết, nhiều năm rồi mới có được mức lãi như hiện nay, giá cá tra hồi phục và tăng mạnh mang lại niềm vui cho nông dân. Ông Cao Lương Tri nuôi cá tra ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang) cho rằng, cá tra tăng giá mạnh hiện nay là do đã hết chu kỳ giá thấp kéo dài 3 năm, chu kỳ giá thấp lại trùng thời gian bùng phát đại dịch làm người nuôi cá tra lỗ nặng, hy vọng ai còn cầm cự được sẽ vượt lên, làm ăn có lãi.
Về thị trường xuất khẩu cá tra cũng ghi nhận rất nhiều tín hiệu sáng, đáng chú ý, sau khi gặp khó do chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, nhiều lô hàng cá tra luôn trong tình trạng lo lắng bị trả lại nếu nhiễm virus SARS-COV-2 thì nay xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đã tăng trở lại. Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo còn khả quan hơn nữa ít nhất trong quý II. Cũng là thị trường có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong quý I/2022; tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%. Sau khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, các doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Cần có thêm nhiều giải pháp để kéo dài chu kỳ tăng trưởng của ngành hàng cá tra Ảnh: LHV
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang đặt mục tiêu lợi nhuận cao, lấy lại vị thế ngành hàng trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Công ty CP Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, theo thứ tự tăng 43,5% và 35,6% so năm 2021.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (IDI) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng cao trong năm 2022. Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Thuấn cho biết, IDI đã chuẩn bị kho hàng dự trữ 1.400 tỷ đồng cá tra lúc giá rẻ (17.000 – 18.000 đồng/kg) cho đợt phục hồi nhu cầu thị trường lần này, đặc biệt là Mexico và Brazil, nơi IDI chiếm thị phần lớn. Năm nay, IDI đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so năm trước. Hiện IDI đã ký đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II/2022.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương có diện tích nuôi cá tra nhiều cũng đang lo ngại, nếu nông dân thả nuôi ồ ạt thì dễ dẫn đến tình trạng thừa nguyên liệu như từng xảy ra. Nếu nuôi ồ ạt, người nuôi cá tra rồi đây có thể gặp khó khăn lớn bởi giá thức ăn, thuốc thủy sản, vật tư đầu vào… đều tăng mạnh, đẩy giá thành cá tra lên cao và nếu khó bán sẽ thiệt hại nhiều. Ông Nguyễn Văn Tấn nuôi cá ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, An Giang) bày tỏ: “Khả năng sắp tới, nhiều người sẽ nuôi lại, họ sẽ tìm nguồn vốn lãi cao, chấp nhận mua con giống đắt, thức ăn tăng giá và như thế cũng chấp nhận rủi ro cao”.
Mặc dù quy luật thị trường chi phối giá cả nhưng để chu kỳ tăng trưởng ngành hàng cá tra kéo dài, cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp khuyến nghị người nuôi cá tra không phát triển “nóng”. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, hợp tác với doanh nghiệp để tạo tính bền vững. Địa phương chú trọng vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất. Các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn đang tăng cường công tác quản lý điều kiện nuôi: quy hoạch, diện tích, kỹ thuật, nguồn giống, bảo vệ môi trường và hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Nếu hộ nào không đáp ứng thì không cho nuôi. Tất cả nhằm xây dựng ngành hàng cá tra phát triển hiện đại, bền vững.
Sáu Nghệ