(TSVN) – Liên tục từ năm 1999 đến nay, phía Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong thời gian 3 tháng, bao gồm cả vùng biển Việt Nam. Nước ta phản đối hành động ngang ngược và phi lý này của phía Trung Quốc và khẳng định lệnh cấm này không có giá trị pháp lý trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Vì sao phía Trung Quốc lại thực hiện hành vi vô lý và ngang ngược như vậy và làm thế nào để đảm bảo an toàn cho ngư dân Việt Nam khai thác trên biển khi đối mặt với sự ngăn cản của hải cảnh nước này? Để trả lời cho những vấn đề này, lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Thưa ông, hơn 20 năm qua, phía Trung Quốc liên tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, bao gồm cả vùng biển nước ta. Ông đánh giá thế nào về hành động này của phía Trung Quốc?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Đúng là suốt 20 năm qua Trung Quốc đã liên tục ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài trong thời gian 3 tháng và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 hàng năm. Phạm vi không gian của Lệnh cấm đánh bắt cá này gồm cả một số vùng biển nước ta ở quần đảo Hoàng Sa và phần vịnh Bắc Bộ được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam
Đây là hành động đơn phương, phi lý và được lập lại hàng năm của phía Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích của Việt Nam ở những vùng biển nói trên phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động đơn phương, không tham kiến các nước láng giềng trước khi ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, cũng như đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) đã ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
Liên quan đến hành động phi lý trên của phía Bắc Kinh, ngày 29/4/2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”.
Trước lệnh cấm phi lý của phía Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những hành động gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Việc ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá phi lý, lặp lại hàng năm của phía Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Biển Đông vốn đã rất phức tạp và khó lường, mà còn cản trở hoạt động đánh cá bình thường của tàu cá và ngư dân nước ta ở các ngư trường truyền thống trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, hành động này cũng làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc.
Cho nên, Hội Nghề cá Việt Nam với tư cách là tổ chức hỗ trợ và đồng hành cùng ngư dân Việt Nam bám biển quê hương, hàng năm đã có văn bản gửi các cơ quan hữu trách để kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc nói trên. Trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương nói trên của phía Trung Quốc là vô giá trị.
Đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân khi hoạt động trên biển. Ảnh: Xuân Trường
Đại diện cho hàng triệu ngư dân nước ta, Hội Nghề cá Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay Lệnh cấm đánh bắt cá phi lý này đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đồng thời đã đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn Lệnh cấm đánh bắt cá phi lý nói trên của Trung Quốc; góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hội Nghề cá Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện trách nhiệm bảo vệ bền vững tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản đặc trưng cho từng khu vực biển ở Biển Đông, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Để tránh “đụng độ” với lực lượng hải cảnh Trung Quốc khi đánh bắt cá ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ngư dân sẽ phải làm gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Như chúng ta đã biết, ngày 22/1/2021, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Bộ luật này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận quốc tế và khu vực ngay từ khi nó còn là bản dự thảo. Thậm chí, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. nhận định động thái này của Trung Quốc là “lời đe dọa chiến tranh”. Sở dĩ như vậy vì luật này cho phép: Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu không kịp cảnh báo hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn (Điều 49).
Phạm vi địa lý mơ hồ và lý do không rõ ràng cho việc sử dụng vũ khí đề cập trong luật này, cùng với Lệnh cấm đánh bắt cá nói trên, là những dấu hiệu Trung Quốc đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Đặc biệt làm tăng các mối đe dọa “đụng độ” với lực lượng hải cảnh Trung Quốc khi ngư dân nước ta đánh bắt cá ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Để tránh các cuộc “đụng độ” có thể ngư dân Việt Nam cần tiếp tục tuân thủ các quy định quốc tế và khu vực khi hoạt động đánh bắt cá trên biển; hiểu và thực thi đúng Luật Thủy sản Việt Nam (2017), cũng như hướng dẫn phân vùng và quy định khai thác hải sản trên Biển Đông của Bộ NN&PTNT; duy trì quy định và bảo đảm các nguyên tắc về thông tin liên lạc, chế độ báo cáo tình hình trên biển cho các cơ quan hữu trách của Việt Nam; chấp hành tốt các quy định cấm đánh bắt IUU; luôn nêu cao cảnh giác và sẵn sàng ứng xử tốt với các tình huống xấu trên biển có thể dẫn đến những cuộc “đụng độ” trên biển; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương và giải pháp giải quyết các vấn đề trên biển của Đảng và Nhà nước ta; đề cao tinh thần hữu nghị của nước ta với các nước láng giềng ở Biển Đông; hỗ trợ lẫn nhau khi tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển…
Và để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi khai thác hải sản trên biển, cơ quan chức năng Việt Nam cần phải làm những gì, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Trong bối cảnh phức tạp của Biển Đông, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Hội Thủy sản, Hội Nghề cá địa phương và các đơn vị liên quan chủ động, tích cực thông tin – tuyên truyền để ngư dân chấp hành đúng pháp luật khi đánh bắt cá trên biển. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ, vận động ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật và cứu hộ, cứu nạn trên biển cần tăng cường hỗ trợ cho ngư dân khi hoạt động trên biển, như: giám sát hành trình hoạt động trên biển của các tàu đánh cá của Việt Nam; thường xuyên kiểm tra, kết nối thông tin từ bờ với các tàu cá đang hoạt động sản xuất ngoài biển; cảnh báo sớm và nhắc nhở nếu có biểu hiện thực hành đánh bắt không tốt; yêu cầu ngư dân ra khỏi vùng không an toàn “từ xa, từ sớm”; kịp thời có những biện pháp cứu hộ khi ngư dân “lâm nạn” không mong muốn hoặc “có chủ đích từ bên ngoài”; hỗ trợ hậu cần cho ngư dân để bảo đảm nhu cầu tối thiểu đối với công tác an toàn khi đánh cá trên biển; sử dụng biện pháp bảo hộ pháp luật và ngoại giao yêu cầu đối xử nhân đạo với ngư dân khi bên ngoài có tác động xấu, gây thiệt hại về người và của của ngư dân khi đang đánh bắt cá trên biển…
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hồng