Phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài, tôm nuôi rất dễ phát sinh dịch bệnh. Nếu người nuôi không xử lý kịp thời thì việc tôm chết và dẫn đến thiệt hại là điều không thể tránh khỏi.

Thái Bình – Xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm nuôi ở Thái Thụy

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, đến ngày 28/4, trên địa bàn xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)) có 12 ao nuôi tôm của 8 hộ xuất hiện bệnh đốm trắng; diện tích bị bệnh là 25.300 m2; số lượng giống thả là 70,4 vạn con (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Các ao đã xác minh dịch bệnh đều chưa được xử lý hóa chất tiêu diệt mầm bệnh theo quy định. Hiện Chi cục đề nghị UBND huyện Thái Thụy chỉ đạo các phòng chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh dịch trên tôm nuôi, nhất là công tác xử lý virus gây bệnh đốm trắng tại các ao nuôi của xã Thụy Hải theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhằm ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh lây lan.

Hà Tĩnh – Tiến hành cấp phát Chlorine cho người nuôi thủy sản

Ngay sau khi tiếp nhận 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min được Bộ NN&PTNT hỗ trợ, ngày 25/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã tiến hành phân bổ về cho các địa phương.

Theo đó, các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà và Nghi Xuân mỗi huyện được cấp phát 7 tấn; thị xã Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh mỗi địa phương được cấp phát 5 tấn; 9 tấn còn lại được dùng để dự phòng. Sau khi được phân bổ, các địa phương đã tiến hành cấp phát cho người nuôi trồng kịp thời, đúng chủng loại, đúng số lượng.

Ngăn ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi để vụ mùa thành công. Nguồn: BCG

Hóa chất Chlorine 65% min được sử dụng để diệt khuẩn, dọn vệ sinh môi trường ở khu vực ao nuôi, hồ lắng, kênh mương, hồ lắng thải… nhằm ngăn ngừa các loại dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm và cua.

Đến thời điểm này, đã có 41 tấn hóa chất Chlorine 65% min được cấp phát đến tận người nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh để xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh. Các xã, thị trấn đã tổ chức tiếp nhận, bảo quản, phân bổ hết cho các hộ và hiện người nuôi đã bắt đầu đưa vào sử dụng. Ngành chức năng hướng dẫn cho người dân cách dùng đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần xử lý môi trường nuôi trồng, ngăn ngừa các loại dịch bệnh thủy sản.

Quảng Nam – Tôm nuôi chết hàng loạt do sốc môi trường

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, chất lượng con giống chưa đảm bảo khiến tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo UBND xã Bình Nam (huyện Thăng Bình), toàn xã đã nuôi tôm thẻ chân trắng trên 80 ha từ đầu năm đến nay. Trong số đó, diện tích tôm chết là hơn 70 ha. Người dân đang rất mong ngành chức năng của tỉnh thanh tra, kiểm tra chất lượng con giống trên địa bàn để giúp người dân tiếp cận con giống sạch bệnh nuôi tôm. Cùng với đó, tập huấn, hướng dẫn người dân nuôi tôm đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế dịch bệnh.

Tương tự, nhiều nông hộ ở thôn An Trân, thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Hải, (huyện Thăng Bình) như ngồi trên lửa vì tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt trong những ngày qua.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam Ông Võ Văn Long cho biết, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh chết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 231 ha, hầu hết là sốc môi trường nước do biến động thời tiết. Theo nhận định của ông Long, tôm chết hàng loạt là do nhiều nguyên nhân, gồm tôm giống chất lượng kém, quy trình nuôi tôm của nông hộ sơ sài, nguồn nước bị ô nhiễm nhưng chưa có cách xử lý đúng.

 Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm Quảng Nam là đầu tư đồng bộ hạ tầng, xử lý nước thỏa đáng, tôm giống chất lượng, thức ăn đảm bảo, sử dụng men vi sinh thay kháng sinh, nuôi tôm 3 – 4 giai đoạn. Tuy nhiên để đáp ứng các yêu cầu này ở Quảng Nam mới chỉ có vài ba mô hình. Do nguồn vốn đầu tư quá lớn, khó nhân rộng đại trà, khó lan rộng cách đầu tư bài bản, khoa học. Với tiềm lực yếu, hầu hết nông hộ nuôi tôm được chăng hay chớ, không liên kết mà mạnh ai nấy làm nên thường xuyên gặp rủi ro.

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh thả nuôi khoảng 8.000 ha tôm thẻ chân trắng. Hầu hết các vùng nuôi tôm không có kênh cấp, kênh thoát nước, không có thủy lợi cho từng khu vực, người nuôi tôm không đầu tư ao lắng để xử lý nước, lại xả thải bừa bãi nên nguồn bệnh khi phát tán lây lan trên diện rộng.

Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo, nông hộ cần áp dụng giải pháp trước mắt là chủ động ứng phó khi mùa nắng nóng đã đến. Theo đó, người nuôi tôm cần chọn thời điểm lấy nước, thay nước thích hợp; chú trọng chăm sóc, quản lý tôm nuôi; thường xuyên nâng cao mực nước để ổn định môi trường, tránh sốc cho tôm; khi phát hiện thay đổi bất thường ở tôm thì thông báo để cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý kịp thời. Đặc biệt, khi tôm chết, nông hộ không nên xả thải mà xử lý bằng Chlorine để triệt tiêu mầm bệnh.

Ngọc Diệp 

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!