(TSVN) – Ngày 18/5, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, nhiều tác nhân gây bệnh thuỷ sản nuôi như nấm, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… tăng nhanh trong vùng nước nuôi cá lồng có dòng chảy kém, hàm lượng ôxy biến động, giảm thấp.
Cụ thể, kết quả đo nhanh DO tầng giữa và tầng đáy vùng nuôi cá lồng trên sông Đại Giang rất thấp, dưới mức cho phép nuôi trồng thủy sản. Đây là những nguyên nhân chính làm cá chết rải rác, chết hàng loạt thời gian qua tại vùng nuôi cá lồng thuộc xã Thủy Tân (TX Hương Thủy), xã Vinh Hiền, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), phường Thuận An (TP Huế).
Lồng nuôi cá trên sông Đại Giang. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế
Theo thông tin từ một số người dân sống ven cửa biển và vùng đầm phá, hiện nay đang xuất hiện cá kình (rò) trôi vào hai cửa biển Thuận An và Vinh Hiền, kết hợp với nguồn nước có nhiều sứa. Chi cục Thuỷ sản khuyến cáo bà con lưu ý các biện pháp lấy nước qua lưới lọc phòng địch hại, kiểm tra các yếu tố môi trường và tốt nhất cần có ao dự trữ nước để chủ động điều chỉnh các yếu tố môi trường thích hợp trước khi cấp vào ao nuôi.
Đối với các vùng nuôi cá lồng cần có các biện pháp vệ sinh, làm sạch lồng nuôi định kỳ và thường xuyên, bố trí hệ thống sục khí hoặc các thiết bị bơm đảo nước tạo dòng chảy để tăng cường hàm lượng ôxy; quản lý, cho ăn và chăm sóc như giảm khẩu phần hàng ngày, bổ sung Vitamin C, chuyển dần việc cho cá ăn thức ăn công nghiệp để tăng cường sức đề kháng và giảm ô nhiễm môi trường.
Khuyến cáo, người nuôi cần treo túi vôi phòng bệnh cho cá, mỗi ngày 3 – 4 lần để vôi hòa tan đều trong môi trường. Dùng Tetracyline cho cá từ 5 – 7 ngày liên tục phòng và trị các bệnh cùn vây, cùn đuôi, lở loét do nấm, vi khuẩn, virus gây bệnh.
Cát Tường