(TSVN) – Hoạt động phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã đạt được trong những năm qua và 4 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh hết sức khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh thủy sản còn diễn biến phức tạp; một số loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành với tỷ lệ cao nên để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo quyết liệt hơn.
Thông tin tại thông báo của Bộ NN&PTNT về kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản vừa qua ở Cà Mau cho thấy, tình hình dịch bệnh thủy sản còn diễn biến phức tạp, một số loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành với tỷ lệ cao, khi gặp điều kiện bất lợi làm phát sinh dịch bệnh; Điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế, chưa áp dụng đúng, đủ các yêu cầu về giống, quy trình nuôi, chưa thực hiện tốt việc xử lý nước thải, chất thải; nhiều địa phương chưa lấy mẫu xét nghiệm khi có thủy sản chết, chưa xử lý triệt để dịch bệnh, chưa báo cáo dịch bệnh chưa sát thực tế; giám sát chủ động chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, thiếu đồng bộ; việc vận chuyển, buôn bán giống thủy sản xuất tỉnh, nhập tỉnh nhưng không thực hiện kiểm dịch thú y vẫn còn xảy ra; hiện tượng người nuôi lạm dụng kháng sinh, hóa chất, kháng sinh cấm còn khá phổ biến; việc tổ chức xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn rất hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp có chuỗi xuất khẩu thủy sản, sản xuất giống thủy sản.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện những nội dung sau:
Khẩn trương xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 (về Đề án tăng cường năng lực ngành thú y), Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 (về kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản) và Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 (về chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam).
Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành thú y, thủy sản của địa phương: Tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, thống kê chính xác, báo cáo kịp thời các số liệu về dịch bệnh, thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản (NTTS); tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân trong trường hợp có động vật thủy sản bị chết nhiều, chết bất thường và thực hiện điều tra dịch tễ học; tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh thủy sản gắn với xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh; tham mưu chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tổ chức quan trắc môi trường tại các vùng nuôi; hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đối với từng đối tượng hoặc nhóm đối tượng nuôi; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, kiểm dịch thú y; tổ chức quản lý chặt và thường xuyên thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản, thức ăn cho thủy sản, chế phẩm sinh học, hóa chất dùng trong NTTS; chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Giao Cục Thú y chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030”. Đồng thời, chủ trì tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2022 của Bộ, trọng tâm là công tác giám sát dịch bệnh chủ động tại các vùng nuôi; giám sát và ngăn chặn các bệnh nguy hiểm mới nổi trên thủy sản xâm nhiễm vào trong nước; rà soát các tiêu chí về an toàn dịch bệnh và tổ chức xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu; tổ chức thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nguyên liệu, thuốc thú y thủy sản; đồng thời rà soát các quy định và đề xuất với Bộ về cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định, đánh giá, cấp phép lưu hành vaccine thủy sản trong nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nuôi trong việc kinh doanh, sử dụng vaccine phòng, chống dịch bệnh.
Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường; tập trung quản lý chất lượng con giống; thanh tra, kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học dùng trong NTTS; hướng dẫn các quy trình nuôi quản lý ao nuôi, phương thức nuôi phù hợp; chủ động phối hợp với Cục Thú y và các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã và đang thực hiện; tổ chức tiếp nhận và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của nước ngoài và từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, bảo đảm hiệu quả; đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản hiện nay đặt ra; đề xuất giao nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra xác định nguyên nhân và giải pháp phòng, chống hiện tượng cua chết tại tỉnh Cà Mau và các địa phương khác.
Giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì rà soát, đề xuất đào tạo, tập huấn cho người nuôi các mô hình NTTS hiệu quả, tỷ lệ nuôi sống tăng cao, chi phí sản xuất thấp, ít nguy cơ dịch bệnh, phát triển bền vững, thân thiện môi trường; đồng thời tổ chức truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình.
Đề nghị các hội, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y, thủy sản để thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các quy trình kỹ thuật về nuôi và quản lý ao nuôi, giám sát và xử lý dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; xem xét, đầu tư xây dựng các chuỗi sản xuất thủy sản khép kín, bảo đảm các điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thiết thực, hiệu quả.
Các Vụ, cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường phối hợp, chủ động chia sẻ thông tin, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, phát triển NTTS, bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật thủy sản của Việt Nam ra nước ngoài.
Vân Anh