(TSVN) – Đây là nội dung chính của buổi Hội thảo vừa diễn ra ngày 24/5/2022, tại Cà Mau do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức.
Trong nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng, con giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến các khâu của chuỗi sản xuất, như chất lượng, năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, công tác kiểm soát chất lượng tôm giống hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vẫn luôn là vấn đề cần tìm giải pháp để tháo gỡ.
Tại Hội thảo, báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2021 cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất tôm giống, công suất 144,5 tỷ con. Tính từ đầu năm đến tháng 4/2022, đã sản xuất được 37,9 tỷ con giống. Các tỉnh sản xuất giống chính, chiếm khoảng 80% bao gồm: Cà Mau, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Toàn cảnh buổi hội thảo diễn ra tại Cà Mau ngày 24/5 vừa qua
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, tình hình sản xuất và cung ứng giống tôm nước lợ của nước ta có nhiều thuận lợi như: Đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giống thủy sản; sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước vào nghiên cứu giống; kinh nghiệm sản xuất giống và các cơ sở sản xuất giống hiện có; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giống; doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia sản xuất; hình thành nhiều khu sản xuất giống tập trung.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản phát biểu tại Hội thảo
Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại cần phải nhanh chóng được tháo gỡ như: Kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc; công tác quản lý còn phân đoạn, chưa có có sự thống nhất giữa công tác quản lý Nhà nước về chất lượng giống và kiểm dịch; nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đặc biệt là các cơ sở ương dưỡng tôm giống. Đây là những cơ sở không đảm bảo điều kiện, cung cấp con giống ra thị trường nguy cơ lây lan dịch bệnh; Vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau chia sẻ về tình hình sản xuất và cung ứng giống thủy sản của tỉnh
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: Cà Mau có tiềm năng và lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, có ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km với trên 80 cửa biển lớn, nhỏ hàng năm mang lượng phù sa, sinh vật phù du, nguồn giống tự nhiên cung cấp cho khu vực nội địa. Với diện tích 280.000 ha nuôi tôm, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi ở Cà Mau hàng năm trên 30 tỷ con giống, trong khi năng lực sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng 55% giống tôm sú, còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và lân cận. Trại sản xuất giống ở địa phương tuy nhiều, 532 cơ sở sản xuất và 220 cơ sở ương dưỡng nhưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, chất lượng con giống thấp mặc dù Cà Mau có lợi thế rất lớn về tôm giống bố mẹ. Việc quản lý chất lượng tôm giống phục vụ cho người dân nuôi tôm là vấn đề đặt ra hàng đầu đang được cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người nuôi tôm quan tâm.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp và người nuôi cũng đưa ra nhiều giải pháp với mong muốn nâng cao nguồn tôm giống sạch bệnh có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, góp phần đưa ngành tôm phát triển bền vững.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho rằng, để thích nghi với điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho từng vùng, chúng ta cần phải dịch chuyển, sắp xếp các cơ sở sản xuất con giống hợp lý. Việc xây dựng các trang trại sản xuất giống tại các địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau sẽ giảm được chi phí vận chuyển, hạn chế được dịch bệnh trong quá trình vận chuyển, từ đó sẽ giảm được giá thành và hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi.
Phương Ngọc