(TSVN) – Khi chào đón năm 2022, cả thế giới đều hy vọng ngày tận thế của COVID đã đến. Nhưng khi niềm hy vọng đó còn chưa kịp thành sự thật, thì thế giới lại rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn – cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Chiến tranh không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội, mà còn tàn phá nền kinh tế và làm đảo lộn mọi hoạt động kinh doanh.
Đối với ngành NTTS, cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine đã kéo theo hàng loạt hệ lụy buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và công nghệ để ứng phó. Suốt mùa đông năm 2021/2022, châu Âu đã trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khiến chi phí năng lượng tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và lợi nhuận bị sụt giảm.
Sau đó chiến sự bùng nổ tại Ukraine và chúng ta mới đang bắt đầu thấy tác động của cuộc chiến này. Nga là một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, chủ yếu là dầu và khí đốt. Khi phương Tây cắt đứt mọi quan hệ với Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Chi phí năng lượng sẽ tiếp tục tăng vọt khiến cả thế giới phải tìm giải pháp ứng phó. Ngay lúc này, công nghệ sáng tạo sẽ là những giải pháp đáng cân nhắc. Chưa thể nói trước đây sẽ là những cải tiến cụ thể nào, nhưng chắc chắn chúng cần thiết. Dễ thấy nhất đó là cần phải cải tiến công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp từ vận tải, hệ thống sưởi đến sản xuất…
Một vấn đề khác mà chúng ta phải đối mặt suốt thời gian qua và đang trở nên nghiêm trọng hơn do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine đó là vận tải. COVID đã gây ra tình trạng thiếu container vận chuyển cũng như khả năng cung cấp hàng hóa bằng đường hàng không và vấn đề này có thể sẽ gia tăng sau chiến tranh. Hầu hết các nước phương Tây đã đóng cửa không phận đối với Nga. Đây là một ví dụ cho thấy vận chuyển tôm, cá bằng máy bay từ châu Âu đến châu Á sẽ phải đi qua một con đường khác, thay vì tuyến đường xuyên Siberia ngắn nhất như trước đây. Rõ ràng, chi phí vận chuyển sẽ cao hơn buộc các hãng sản xuất thủy sản phải tăng cường phát triển hơn nữa các loại thực phẩm vận tải đường ngắn và để làm được điều này, họ có thể đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống RAS trên đất liền để rút ngắn khoảng cách với thị trường hơn.
Nga cũng là một nước sản xuất cá chủ yếu cho thế giới và mặc dù ngành NTTS đã suy yếu trong nhiều năm sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhưng Nga đang nỗ lực tái thiết ngành khai thác và đã bắt đầu đẩy mạnh NTTS. Ở một góc độ nào đó, sự phát triển của ngành thủy sản Nga vẫn phải cần đến những giải pháp công nghệ nhập khẩu từ phương Tây. Nhưng trước tình hình bị cấm vận như hiện nay, Nga sẽ phải tự phát triển công nghệ cho riêng mình trong vài năm tới. Sau cùng, Nga sẽ quay lại cộng đồng thế giới, nhưng sẽ là một nước Nga khác với những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay.
Những giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine tất nhiên thuộc về vấn đề chính trị, không phải công nghệ. Nhưng đối với ngành thủy sản cũng đang chịu sức ép từ chiến tranh, thì các giải pháp công nghệ mới vẫn thực sự cần thiết.
International Aquafeed and Fish Farming Technology