(TSVN) – Năm 2022, Long An có kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tại huyện Châu Thành, với quy mô 8 mô hình tại 3 xã: Thanh Phú Long, Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông. Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành đang phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện hoàn tất hồ sơ, thủ tục hỗ trợ vốn cho nông dân xuống giống kịp thời vụ.
Diện tích thả nuôi tôm của huyện Châu Thành hiện khoảng 1.400 ha với sản lượng khoảng 6.000 tấn/năm và chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Hầu hết các khâu chọn giống, kiểm soát nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh, liên kết thu mua,… đều mang tính tự phát và rời rạc trong khi thị trường hiện nay cần các sản phẩm nông sản, thủy sản chất lượng cao, hữu cơ. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, bảo đảm ngành nuôi tôm mang lại hiệu quả và ổn định bền vững, Châu Thành triển khai, thực hiện nuôi tôm ƯDCNC và hướng tới xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ 250 ha ƯDCNC. Điều này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.
Ao nuôi tôm ƯDCNC ở Long An. Nguồn: baolongan.vn
Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Mỹ Kiều Đông Sang cho biết: “Mặc dù chưa thực hiện nuôi tôm ƯDCNC nhưng người nuôi tôm trên địa bàn xã bước đầu đã ứng dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi: Trải bạt trên diện tích ao nuôi, đầu tư hệ thống sục oxy và máy cho tôm ăn,… Đó được xem là một tiền đề cho việc thực hiện mô hình Nuôi tôm ƯDCNC. Năm 2022, xã thực hiện 4 mô hình Nuôi tôm ƯDCNC với diện tích 2 ha và bước đầu nhận được sự đồng thuận của người dân. Khi chúng tôi tiến hành vận động người dân thực hiện mô hình thì bà con khá đồng tình ủng hộ”.
Khi tham gia mô hình, nông dân bắt buộc mua con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ và được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện mô hình thí điểm. Mức hỗ trợ một lần 50% tổng kinh phí thực hiện mô hình điểm nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình, 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình nhân rộng nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình.
Theo quy định, điều kiện để được hỗ trợ chính sách trên thì doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình nuôi tôm nước lợ trong vùng quy hoạch trên địa bàn các huyện Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ có tổng diện tích ao tối thiểu 0,5ha (đối với hộ gia đình), tối thiểu 0,3ha (đối với doanh nghiệp, HTX). Đối với nuôi tôm trên bể có thể tích bể ít nhất là 500 m³, có ao/bể lắng đảm bảo chứa đủ nước cấp cho ao nuôi.
Ngoài ra, nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao như quy trình nuôi 2 – 3 giai đoạn, ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng các chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao nuôi và quản lý sức khỏe tôm nuôi, ứng dụng các bộ kít phát hiện nhanh bệnh, các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh,…
Song song với việc thực hiện thí điểm 4 mô hình Nuôi tôm ƯDCNC, xã Thuận Mỹ đang trong quá trình thành lập hợp tác xã nuôi tôm. Đến nay, công tác chuẩn bị cho đại hội của hợp tác xã cơ bản hoàn tất. Hợp tác xã được kỳ vọng sẽ cung cấp cho người dân con giống chất lượng và tìm đầu ra cho con tôm, đặc biệt là tôm nuôi theo hướng ƯDCNC.
Hải Đường