(TSVN) – Theo Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế, từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết có sự thay đổi rất thất thường và biến đổi khác so với các năm trước đây, ngoài hiện tượng mưa nắng luân phiên và có mưa dông, thời tiết còn có các đợt không khí lạnh. Mưa lớn làm cho độ mặn toàn vùng đầm phá giảm thấp không đảm bảo cho NTTS như tại Tân Lập (thị trấn Sịa) gần như bị ngọt hóa hoàn toàn; một số ao, lồng nuôi cá bị nhiễm ký sinh trùng, nấm trên mang làm hao hụt trong quá trình nuôi.
Kết quả các chỉ tiêu môi trường đo được được vào ngày 12 và 13/5 của Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế tại vùng đầm phá, ven biển và vùng nuôi cá lồng trên sông đều nằm trong giới hạn cho phép để NTTS và khá thích hợp. Tuy nhiên, hiện tượng mưa giông thường xảy ra vào chiều tối nên các yếu tố môi trường sẽ có sự biến động lớn gây ra sự chênh lệch giữa ngày và đêm (đặc biệt pH nước); ngoài ra nước mưa còn mang theo nhiều chất vẫn từ sông, nội đồng làm cho màu nước một số vùng đầm phá khá đục. Vì vậy, nếu không có các biện pháp kỹ thuật phù hợp, thủy sản nuôi sẽ bị tác động làm yếu, giảm ăn, bỏ ăn, bệnh và chết. Bên cạnh đó, các loài gây bệnh, địch hại của thủy sản nuôi phát triển nhiều nên phải tăng cường sức khỏe cho vật nuôi như bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng, sử dụng chế phẩm sinh học để gia tăng vi khuẩn có lợi, xử lý chất hữu cơ đáy và trong nước, nhằm giúp cho vật nuôi phát triển và nâng cao hiệu quả vụ nuôi.
Kết quả phân tích mẫu nước ngày 7/5 của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc như sau: Nguồn nước cấp tại Lăng Cô (huyện Phú Lộc): NH4+-N cao hơn 1,2 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mật độ coliform và TSS cao hơn 76 lần và 1,1 lần so với QCVN 10-MT:2015/BTNMT; Nguồn nước cấp tại Thuận An (TP Huế): Nồng độ NH4+-N cao hơn cao hơn 1,1 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Kết quả tính theo chỉ số chất lượng nước (WQI) ở điểm nguồn cấp Lăng Cô ở mức xấu (43 điểm), điểm nguồn cấp Thuận An đạt mức rất tốt (92 điểm) tính theo Quyết định 1460/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng cục Môi trường.
Trong những ngày giữa tháng 5, trên địa bàn xã Quảng Phú và Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) xảy ra hiện tượng cá trắm cỏ nuôi lồng bị chết. Chi cục Thủy sản phối hợp với địa phương lấy mẫu nước đo các yếu tố môi trường kết quả như sau: Tại điểm nuôi lồng xã Quảng Phú, nhiệt độ: 26,50C, pH 6,79, độ đục: 28,1 NTU, DO: 5,9 mg/l, TDS: 0,023, amoni <0,021 mg/l, sunfua <0,12 mg/l; Vùng nuôi cá lồng xã Quảng Thọ, nhiệt độ: 25,70C, pH 6,65, độ đục: 29,9 NTU, DO: 5,8 mg/l, TDS: 0,022, amoni <0,021 mg/l, sunfua <0,12 mg/l. Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm Huế lấy mẫu cá chết tại hiện trường với các dấu hiệu như sau: Không có dấu hiệu xuất huyết bên ngoài cơ thể, không có hiện tượng xơ rách ở vây, không phát hiện bất kỳ tổn thương bên ngoài cơ thể. Cá có các dấu hiệu bệnh lý như sau: Mang xuất hiện các vùng mất sắc tố có màu xám vàng, các phiến mang sưng và dính vào nhau, kết dính ở biểu mô mang, hoại tử các phiến mang; không thấy xuất huyết ở bề mặt nội quan, cơ không huyết, ruột không có thức ăn, gan nhợt nhạt, thận bình thường.
Kết quả kiểm tra tại phòng thí nghiệm không thấy xuất hiện vi khuẩn trên các mẫu bệnh phẩm từ thận, không thấy dấu hiệu do nhiễm virus vì cơ không xuất huyết, nấm xuất hiện trên các mẫu nuôi cấy từ mang và đã kết luận: Cá trắm cỏ nuôi lồng tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền bị chết do nhiễm tác nhân gây bệnh nấm mang Branchiomyces sanguinis. Bệnh này khá nghiêm trọng và chưa có thuốc để trị dứt điểm; do đó, ngoài các biện pháp treo túi vôi và sunphat đồng tại các góc lồng của các thầy cô đã hướng dẫn người nuôi tại hiện trường lúc lấy mẫu và tiếp tục thực hiện các biện pháp để tránh hiện tượng lây lan mầm bệnh trên diện rộng, cụ thể như:
– Loại bỏ ngay các con bị bệnh (cá yếu/chết) trong lồng;
– Tăng cường cung cấp ôxy cho lồng nuôi bằng cách bố trí hệ thống sục khí hoặc các thiết bị bơm đảo nước tạo dòng chảy để tăng cường hàm lượng ôxy;
– Không để thức ăn quá dư thừa làm ô nhiễm môi trường bằng cách quản lý cho ăn và chăm sóc như giảm khẩu phần cho ăn hàng ngày, bổ sung Vitamin C liều lượng 30 mg/kg thức ăn, luyện và chuyển dần việc cho cá ăn thức ăn công nghiệp để tăng cường sức đề kháng và giảm ô nhiễm môi trường;
– Sử dụng hóa chất để kiểm soát dịch bệnh bằng phương pháp ngâm và treo túi thuốc trị nấm: Pronopol theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Vân Anh