(TSVN) – Do tình hình mùa vụ không thuận lợi, giá xăng dầu từ đầu năm đến nay tăng liên tục, ngư dân không bám ngư trường như bình thường. Cộng hưởng các yếu tố trên nên nguồn nguyên liệu cho sản xuất nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng và giá tăng cao.
Theo thống kê của Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, từ ngày 15 – 24/5, có 674 tàu cập cảng, 594 tàu rời cảng; sản lượng thủy sản qua cảng đạt 2.273 tấn. Số liệu này ít hơn so với thời điểm giá xăng, dầu chưa tăng cao. Ông Nguyễn Lại, Phó Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, ngư dân địa phương lo lắng thu không đủ bù chi khi tàu ra khơi. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hải sản chưa tăng, thị trường xuất khẩu cũng chưa được phục hồi hoàn toàn, chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Sản lượng và giá cả hải sản không tăng kết hợp với giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến tâm lý của ngư dân, dẫn đến số lượng tàu thuyền vươn khơi còn hạn chế.
Đại diện Hội Nghề cá TP Đà Nẵng thông tin, giá xăng, dầu chiếm 40 – 50% tổng chi phí cho mỗi chuyến đi biển. Tuy nhiên, giá dầu tăng, giảm không ổn định nên gây khó khăn cho ngư dân, dẫn đến nhiều tàu còn nằm bờ. Bên cạnh đó, ngư trường khai thác hạn hẹp, sản lượng đánh bắt ngày càng ít, thu nhập sau mỗi chuyến đi biển không nhiều dẫn đến việc tìm lao động đi biển càng khó khăn hơn. Tuy vậy, nhiều ngư dân vẫn nỗ lực tính toán chi phí phù hợp cho mỗi chuyến vươn khơi.
Sản xuất nước mắm truyền thống tại Phan Thiết đang gặp nhiều bất lợi do khan hiếm nguyên liệu. Ảnh: Quý Châu
Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng giá xăng dầu ngày một “leo thang” cũng khiến rất nhiều tàu cá của địa phương phải “bám bờ” thay vì bám biển. Thị trấn Định An và thị trấn Mỹ Long là 2 địa phương có nhiều tàu khai thác thủy sản nhiều nhất tỉnh cùng các dịch vụ, thương mại hậu cần nghề cá. Hiện ở 2 địa phương này có khoảng hơn 100 tàu có công suất lớn neo đậu nằm bờ để chờ giá nhiên liệu dầu giảm xuống mới dám ra khơi, dù đang là mùa khai thác biển thuận lợi nhất. Ông Nguyễn Thanh Thành, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Định An cho biết, do giá nhiên liệu tăng cao, nhiều khai thác biển neo đậu nên sản lượng thủy sản, hàng hóa thông qua Cảng cá Định An trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng thủy sản thông qua cảng 2.360 tấn, sản lượng hàng hóa khác 172 tấn, giảm đến 40% so cùng kỳ năm trước.
Khi tàu cá nằm bờ nhiều đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác sụt giảm và kéo theo việc các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp khó với nguồn nguyên liệu từ khai thác thủy sản ngày một khan hiếm. Đây cũng đang là tình trạng của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống tại một số địa phương ven biển hiện nay.
Thông tin từ Công ty TNHH mắm Lê Gia, từ Tết đến nay các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống gặp nhiều khó khăn. Bởi, nguyên liệu chính sản xuất nước mắm truyền thống là cá cơm thời gian qua xăng dầu tăng giá, một chuyến đánh bắt không đủ trang trải chi phí nên ngư dân ngại ra khơi. Vì vậy, nguồn nguyên liệu cá cơm thu mua giảm 30 – 40%, giá cá tăng 40 – 50%, thậm chí có thời điểm giá tăng gấp rưỡi nhưng Công ty vẫn phải mua. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, bên cạnh nguyên liệu chính khan hiếm, tăng giá, các nguyên vật liệu phụ như chai, lọ, nắp… Công ty nhập từ nước ngoài giá cũng tăng cao. Đặc biệt, chi phí nhập một container vỏ chai thủy tinh tăng hơn 10 lần mà không có container rỗng để nhập về.
Theo đại diện Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam, thông thường sau Tết (mùa phụ) các cơ sở sản xuất nước mắm Phan Thiết sẽ có nguồn nguyên liệu 100 – 200 tấn cá để ủ chượp. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, nguồn cá tại Phan Thiết khan hiếm. Mùa phụ năm nay ngư dân chỉ nhập được 15 – 20% sản lượng cá từ các vùng khác. Đặc biệt, thời điểm này một số cơ sở không còn cá nên tạm dừng sản xuất. Tới đây là vụ cá chính, nếu không đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất các cơ sở phải đóng cửa hoàn toàn. Như vậy, năm sau sẽ không thể cung cấp nước mắm được ra thị trường.
Cơ sở sản xuất nước mắm Khai Hà, tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị mỗi năm nhập từ 40 – 50 tấn cá cơm để làm mắm; nhưng do năm nay, cá cơm mất mùa nên mỗi tấn cá cơm nguyên liệu giá tăng 2,5 – 3 triệu đồng; từ đầu năm đến cuối tháng 4/2022, cơ sở chỉ nhập được 13 tấn cá giảm 13% so cùng kỳ các năm trước. Cũng theo phản ánh của các chủ cơ sở chế biến nước mắm truyền thống tại huyện Gio Linh, năm nay nguyên liệu cá cơm khan hiếm họ sản xuất cầm chừng, phải tận dụng nguyên liệu cá cơm dự trữ từ năm trước; nếu tình trạng thu mua nguyên liệu cá cơm tiếp tục khan hiếm thì việc sản xuất nước mắm truyền thống sẽ gặp thêm bất lợi.
Một số cơ sở sản xuất nước mắm tại Cụm Công nghiệp Phú Hài (TP Phan Thiết) cho biết mỗi năm, các cơ sở có 2 đợt nhập nguồn cá cơm để muối nước mắm là vụ cá nam và vụ cá Bắc (dịp Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, từ cuối tháng 8/2021 đến nay, nguồn cá cơm đứt hàng khiến nhiều nhà lều nước mắm tại Phan Thiết gặp khó. Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết chia sẻ, có hai nguyên nhân khiến nguồn cung cá cơm thiếu hụt trong nhiều tháng qua, đó là việc xăng dầu tăng giá khiến ngư dân giảm tần suất đánh bắt; thời tiết không thuận lợi, các đàn cá nổi, trong đó có cá cơm ít xuất hiện. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của các cơ sở, công ty nước mắm. Giờ đây các cơ sở chế biến nước mắm chỉ còn kỳ vọng cá cơm nguyên liệu đánh bắt được rất ít trong thời gian qua sẽ dồn để bội thu vào mùa cao điểm cá Nam tới (tháng 7, tháng 8). Chỉ có như vậy mới vực lại được hoạt động của làng nghề nước mắm Phan Thiết đang gặp khó nguồn cung nguyên liệu.
Diệu An