Thị trường sôi động trở lại, giá bán tăng là những tín hiệu vui với người nuôi cá Thái Bình sau một thời gian dài chịu cảnh thua lỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bước sang năm thứ tám ông Vũ Ngọc Ba, thôn Bồ Trang 3, xã Quỳnh Hoa (huyện Quỳnh Phụ) nuôi cá lồng trên sông. Từ 4 lồng năm 2015, đến nay ông đã mở rộng lên 30 lồng, nuôi thả các loại cá: lăng, trắm, diêu hồng. Do nuôi gối vụ nên một năm ông có thể thu hoạch từ 2 – 3 lứa cá, xuất bán ra thị trường gần 100 tấn cá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cám tăng cao, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn trong khi giá bán các loại cá giảm khiến ông Ba cũng như nhiều hộ nuôi cá phải “treo” lồng.
“Năm 2021 là năm khó khăn nhất đối với người nuôi cá, có thời điểm giá cá lăng giảm còn 48.000 đồng/kg trong khi giá cám tăng đến 120.000 đồng/bao 25 kg, tính ra mỗi tấn cá tôi phải bù lỗ gần 20 triệu đồng. Giá thấp nhưng chúng tôi vẫn phải bán vì càng nuôi càng lỗ nặng, không có vốn để quay vòng, tái sản xuất. Thị trường ổn định, cá không gặp dịch bệnh thì mỗi lứa người nuôi lãi từ một đến vài trăm triệu đồng; nhưng khi giá cám tăng cao, giá cá giảm thấp thì thua lỗ tiền tỷ. Ngoài giảm mật độ nuôi, từ 30 lồng, hiện tôi chỉ nuôi thả 23 lồng, phần vì thiếu vốn đầu tư phần còn “nghe ngóng” thị trường. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá cá các loại tăng trở lại, hiện giá cá lăng đạt 70.000 – 75.000 đồng/kg, cá trắm 55.000 đồng/kg, cá diêu hồng 50.000 – 54.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi tấn cá người nuôi lãi từ 5 – 10 triệu đồng, bù đắp phần nào thua lỗ thời gian qua” – ông Ba chia sẻ.
Đối với cá trắm, ông Vũ Ngọc Ba, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) tăng cường cho ăn cỏ để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Cũng như gia đình ông Ba, dù giá cá thấp, tiêu thụ chậm nhưng gia đình anh Đoàn Văn Kha, thôn Ninh Thôn, xã Hòa Bình (Hưng Hà) vẫn phải duy trì nuôi bởi đã đầu tư cơ sở vật chất trên 1 tỷ đồng. Anh Kha cho biết: Nuôi cá trên ao bán nổi là hướng đi mới, mang lại nhiều hiệu quả hơn nuôi ao truyền thống, vì thế tôi thuê 10 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang làm ao bán nổi nuôi cá. Bằng việc phân chia nhiều ao nuôi thả các kích cỡ cá khác nhau nên một năm tôi thu hoạch 2 lứa, cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn cá các loại. Giá cá hiện nay tăng khoảng 35%, có loại tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021, người nuôi chúng tôi cũng có chút thu nhập. Tôi hy vọng thời gian tới thị trường tiêu thụ cá ổn định để chúng tôi yên tâm đầu tư tái sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có gần 9.000 ha nuôi thủy sản nước ngọt, 633 lồng nuôi cá với thể tích đạt gần 70.000 m3, năng suất đạt từ 5 – 7 tấn/lồng, tương đương 1 ha diện tích ao nuôi nội đồng. 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh khai thác 27.400 tấn cá, sản lượng nuôi thả đạt 16.400 tấn. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời gian gần đây nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ ăn uống, tổ chức cưới hỏi đã được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ao nuôi thủy sản không tìm được thị trường tiêu thụ nên đã chủ động giảm mật độ nuôi hoặc chỉ nuôi thả phục vụ nhu cầu của gia đình. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng khiến các chủ ao nuôi thủy sản e dè trong việc đầu tư…
Để lĩnh vực thủy sản khôi phục lại sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hộ nuôi cần liên kết hình thành chuỗi khép kín từ nuôi thả đến chế biến, thay đổi phương thức nuôi từ quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao chất lượng nông sản, từng bước chủ động trong sản xuất, tiêu thụ.
Ngân Huyền
Nguồn: Báo Thái Bình