(TSVN) – Giá nguyên liệu đầu vào ngành nông nghiệp nói chung thủy sản nói riêng đang tăng chóng mặt, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như hộ nuôi. Việc linh hoạt tìm giải pháp ứng phó trước tình hình này đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Giải pháp giảm phụ thuộc nguyên liệu đầu vào
Ngành nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian qua. Nhưng để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, chúng ta còn nhiều việc phải làm từ khâu quy hoạch, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, để nông nghiệp Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Hiện, Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, do đó, vấn đề quan trọng là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Các bộ, ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Chúng ta cùng nhận thức vấn đề, đưa ra giải pháp và hành động để giảm phụ thuộc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Giảm chi phí sản xuất là mệnh lệnh
Liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nguồn nguyên liệu đầu vào, Bộ NN&PTNT đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trực tiếp chỉ đạo nhiều hội nghị để siết chặt công tác quản lý thị trường, chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm đà tăng giá. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế phù hợp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương
Sớm bình ổn giá vật tư
Vật tư đầu vào cao, khan hàng đang trở thành vấn đề phổ biến do đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao do chính sách kích cầu của nhiều quốc gia. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó Bộ Công thương bằng các chính sách, bao gồm chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm tiền điện, giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu. Vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm nên nếu tính toán tỉ mỉ hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Thời gian tới, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ về giải pháp sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.
Ông Huỳnh Văn Thép, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
Người nuôi không dám đầu tư mở rộng sản xuất
Hiện nay, đa phần người nuôi tôm đều còn nợ ngân hàng nên việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng này là hết sức khó khăn. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, rồi tình hình thế giới khiến giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào của nghề nuôi tôm năm nay tăng rất nhiều làm cho người nuôi tôm càng thêm khó. Đối với con tôm, không thể giảm lượng thức ăn để giảm chi phí được, nên buộc người nuôi phải thả thưa hơn, năng suất vì thế cũng sẽ thấp hơn. Ở góc độ quản lý Nhà nước tôi thấy, nếu để tình hình này kéo dài người nuôi tôm sẽ không dám đầu tư mạnh vào nghề nuôi, sản lượng tôm sẽ khó đạt như kế hoạch, kéo theo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại.
Ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Tôm - Lúa Hòa Đê, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Hầu hết các nguyên liệu sản xuất đều tăng giá
Từ năm ngoái tới năm nay, tính ra giá thức ăn tôm đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Hiện mỗi bao thức ăn tôm loại 20 kg có giá bình quân gần 600.000 đồng nếu mua bằng tiền mặt, còn mua nợ đến cuối vụ thanh toán giá lên tới 720.000 đồng/bao. Không chỉ có giá thức ăn mà hầu hết các nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm đều tăng, kể cả xăng dầu, điện, tiền nhân công… Do đó, dù giá tôm từ đầu năm đến nay khá cao so với cùng kỳ nhưng nhìn chung người nuôi tôm vẫn không có lời nhiều, một số còn bị thua lỗ nếu như tôm chậm lớn hay thiệt hại. Do đó, người nuôi tôm mong muốn các ngành, các cấp làm sao sớm có giải pháp để bình ổn giá đầu vào, giúp người nuôi yên tâm hơn, vì nghề nuôi ngày càng khó khăn.
Ông Phan Văn Mừng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thủy sản Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Người nuôi gặp khó với “bão giá”
Năm nay do độ mặn thấp, lại thêm bệnh phân trắng, gan tụy và nhất là giá thức ăn tôm, nguyên liệu, vật tư đầu vào đều tăng mạnh nên đến giờ này HTX chỉ mới thả nuôi được 87/135 ha. Số còn lại chưa biết tới khi nào mới thả giống được vì hiện nguồn nước tại các kênh cấp đều đã ngọt, cộng thêm giá tôm gần đây có xu hướng giảm nên người nuôi rất lo. Ở HTX Toàn Thắng dù được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng với lãi suất chỉ 0,5%/tháng nhưng vẫn chưa đủ để giúp xã viên vượt qua giai đoạn khó khăn do tăng giá này. Để buộc các doanh nghiệp đầu vào giảm giá theo tôi là rất khó, mà chỉ có cách là các ngành, các cấp cần có cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ hộ nuôi, bởi nếu không người nuôi phải mua nợ với lãi suất tính ra từ 30 - 40%, làm tăng giá thành tôm nuôi, giảm lợi nhuận. Giải pháp tình thế hiện nay của người nuôi tôm là giảm mật độ thả nuôi, tăng cường quản lý ao nuôi, thức ăn để hạn chế chi phí đầu tư.
Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Cần cơ chế, tín dụng hỗ trợ người nuôi
Nhìn chung, giá cả đầu vào phục vụ nuôi tôm năm nay đều tăng rất cao khiến người nuôi gặp không ít khó khăn về nguồn vốn cho vụ nuôi. HTX may mắn là có vốn dự phòng đặt mua thức ăn từ trước nên đến giờ vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều từ các đợt tăng giá đầu năm đến nay. Điều này cho thấy, nếu có được nguồn vốn tín dụng, người nuôi tôm sẽ giảm thiệt hại từ tác động tăng giá đầu vào rất nhiều, nhưng hiện nay có rất ít hộ nuôi tôm tiếp cận được nguồn vốn này. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số người nuôi tôm đều còn nợ ngân hàng, nên không còn tài sản để thế chấp. Tỉnh Sóc Trăng gần đây có chủ trương liên kết giữa đại lý, người nuôi tôm, công ty cung ứng đầu vào và ngân hàng để nâng cấp mô hình nuôi, nhưng cũng rất ít người nuôi đáp ứng được đầy đủ các quy định của ngân hàng.
Ông Ngô Thanh Tuấn, hộ nuôi tôm ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Phát triển sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới
Ngoài nuôi tôm tôi còn nuôi cá chẽm và một số loài thủy sản khác và tôi thấy, giá cả đầu vào của bất kỳ đối tượng nuôi nào cũng tăng chóng mặt hết. Năm nay, giá cá chẽm vừa mới phục hồi, người nuôi vừa có lãi khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg thì gặp ngay giá thức ăn tăng liên tục 3 - 4 đợt. Con tôm thì khỏi nói rồi, từ con giống cho đến thức ăn, hóa chất cải tạo môi trường… thứ nào cũng tăng hết. Cũng may nhờ tôm có giá nên các nhà máy còn có tôm để chế biến, chứ nếu không chắc không có ai dám thả nuôi hết. Thực tế cho thấy, những trang trại nuôi tôm lớn họ vẫn sống được là nhờ họ có vốn mạnh, mua vào số lượng lớn bằng tiền mặt nên bao giờ giá cũng rẻ hơn người nuôi nhỏ lẻ 20 - 30%, thậm chí có loại đến 40%. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp về thị trường, cần tổ chức lại sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới và nhất là hỗ trợ nguồn vốn tín dụng trước mắt là cho HTX và sau đó là đến hộ nuôi.
Ông Phan Đức Quỳ, hộ nuôi tôm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
Lợi nhuận thấp vì chi phí nguyên liệu tăng cao
Không chỉ có bất lợi về nguồn nước, cả con giống, thức ăn, chế phẩm xử lý môi trường, rồi điện, xăng dầu… đều tăng cao, thành ra thấy giá tôm cao vậy chứ người nuôi cũng đâu có lời nhiều như mọi năm. Cũng vì có quá nhiều yếu tố bất lợi cho nghề nuôi nên dù nuôi theo ao tròn nổi lót bạt, nhưng tôi cũng chỉ dám thả nuôi với mật độ khoảng 150 con/m2, thay vì 250 con/m2 như trước đây. Tôi buộc phải giảm mật độ lại để hạn chế tình trạng thiếu khoáng giúp tôm đạt kích cỡ lớn bán giá cao mới có lời. Với chi phí đầu vào tăng mạnh như năm nay, nếu thu hoạch tôm 50 - 60 con/kg thì lợi nhuận rất thấp, chỉ có thu tôm cỡ 20 - 30 con/kg thì lợi nhuận mới đạt được như kỳ vọng.
Xuân Trường – Diệu An
Thực hiện