(TSVN) – Tọa đàm “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững thủy sản vùng ĐBSCL” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì cùng các đơn vị phối hợp là JICA Việt Nam, CSIRO, GIZ, World Bank, Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thủy sản II, Viện lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đã được tổ chức tại TP Cần thơ ngày 30/6 vừa qua.
Tọa đàm diễn ra trực tiếp tại Trường Đại học Cần Thơ và nhiều điểm cầu trực tuyến thu hút nhiều cơ quan nghiên cứu, quản lý và nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đáng chú ý, phía nước ngoài có ông Iwasaki Akihiro, đại diện JICA Tokyo Nhật Bản; GS. Tanaka Yuji, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ kỹ thuật – ODA Nhật Bản; PGS.TS Nguyễn Nguyên Minh, đại diện tổ chức CSIRO, Australia; TS. Cao Thăng Bình, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ThS. Ngô Tiến Chương, đại diện GIZ Việt Nam. Trong nước có Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng. Bên cạnh, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học từ UBND các tỉnh/thành, các cơ quan, viện, trường, doanh nghiệp, hiệp hội trong vùng ĐBSCL. Về phía Trường Đại học Cần Thơ có Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trần Ngọc Hải.
Tọa đàm trực tiếp tại Trường Đại học Cần Thơ sáng 30/6/2022
Tại tọa đàm, các báo cáo chính được trình bày: “Xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và bền vững” bởi PGS.TS Phạm Thanh Liêm, Trưởng Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ; “Thành tựu mới về khoa học & công nghệ trong lĩnh vực thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ” bởi GS.TS Vũ Ngọc Út, Phó trưởng Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ; “Thành tựu mới về khoa học & công nghệ thủy sản của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II” bởi TS Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2.
Báo cáo tham luận có “Nhu cầu và đề xuất hợp tác khoa học công nghệ cho ngành cá tra” của TS. Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ; “Nhu cầu và đề xuất hợp tác khoa học công nghệ cho ngành tôm biển” của ThS. Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Long Mạnh ở tỉnh Bạc Liêu; “Nhu cầu và đề xuất hợp tác khoa học công nghệ cho ngành nuôi biển” của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.
Thảo luận chung tập trung vào nhu cầu và đặt hàng hợp tác nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ thủy sản của các địa phương, doanh nghiệp. Phản hồi về đáp ứng khoa học công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ và các viện, trường cho địa phương, doanh nghiệp. Kết thúc với các đề xuất giải pháp kết nối khoa học công nghệ và phát triển.
Đây là cuộc tọa đàm quý II/2022, trong khuôn khổ “Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL – Tầm nhìn 2045” (SDMD 2045). SDMD 2045 do Trường Đại học Cần Thơ sáng lập và chủ trì, tích hợp nhiều hoạt động hợp tác năng động trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn 2045.
Diễn đàn SDMD 2045 triển khai từ năm nay, kế hoạch có nhiều hoạt động. Thứ nhất, tọa đàm trực tiếp và trực tuyến tổ chức theo quý vào tháng 3, 6, 9 và 12 hàng năm. Cuộc tọa đàm lần đầu tổ chức ngày 25/3/2022 với chủ đề “Khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp vùng ĐBSCL” thu hút gần 300 đại biểu tham dự. Quý II/2022 là tọa đàm “Khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững thủy sản vùng ĐBSCL” vừa diễn ra. Thứ hai, Diễn đàn quốc tế về Phát triển bền vững ĐBSCL tổ chức thường niên 2 năm/lần, và SDMD 2022 là diễn đàn đầu tiên sẽ tổ chức vào ngày 30/10/2022 tại Trường Đại học Cần Thơ với chủ đề: “Khoa học và công nghệ: Động lực cho đổi mới và phát triển bền vững”.
Diễn đàn SDMD 2045 tập hợp nhiều tổ chức và cá nhân tham dự như các cơ quan Trung ương, địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà đầu tư trong nước và quốc tế để kết nối, chia sẻ thông tin và đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Diễn đàn cũng tạo cơ hội giao tiếp, kết nối, xúc tiến các chương trình, dự án hợp tác giữa các đối tác trong nước và quốc tế.
Mục tiêu chính của SDMD 2045 là “Hợp tác – Phát triển – Thịnh vượng”.
Sáu Nghệ