Ngành tôm và bài toán nguyên liệu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù có sự tăng trưởng tới 41% về kim ngạch so cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm; nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đang thấp thỏm lo âu cho chặng đường nửa sau năm 2022, khi phải cố gắng xoay xở nguồn nguyên liệu tôm mới có thể thong thả đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. 

Tăng trưởng mạnh

Báo cáo thống kê của VASEP cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, con tôm Việt Nam đã có mặt ở 85 thị trường trên thế giới. Sau khi các quốc gia ứng phó được dịch COVID-19, đồng loạt “mở cửa” cho hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì nhu yếu phẩm thực phẩm là những đơn hàng được chú ý trước tiên.

Cụ thể, top 4 thị trường lớn nhất tiêu thụ tôm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu tôm, 4 thị trường này đều tăng trưởng mạnh nhập khẩu tôm Việt Nam; trong đó Trung Quốc tăng mạnh nhất 130%. Riêng xuất khẩu sang khối châu Âu chiếm 16%, đạt hơn 360 triệu USD, tăng 51% so cùng kỳ năm 2021. Những thị trường tăng trưởng mạnh trong khối châu Âu gồm: Hà Lan tăng 58%, Đức tăng 35%, Bỉ tăng 91%, Pháp 42%…

Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu tôm. Ảnh: Phan Thanh

Lý giải cho sự tăng trưởng này, ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Ngọc Trí chia sẻ, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu thị trường bắt đầu tăng trở lại, các phân khúc nhà hàng, khách sạn đều mở cửa nên nhu cầu nguyên liệu tôm phục vụ cho các món ăn tăng cao. Cùng đó, trong 12 FTA được ký kết hồi gần cuối năm 2020, thì 8 Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi của EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP… đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn và tiềm năng như châu Âu, Australia, Malaysia, Canada, Thái Lan, Trung Quốc, Anh…

Tuy nhiên, thực tế sản xuất thủy sản nói chung trong đó có con tôm còn vướng không ít những hạn chế mà điển hình là sự manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Tồn tại này theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty CP Chế biến Thực phẩm Sao Ta thì sẽ dẫn đến khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng đều; khó ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, tăng năng suất nhằm giảm giá thành; khó ứng dụng các quy trình nuôi quốc tế như ASC, BAP; khó trong việc đánh mã số cơ sở nuôi… Đây là một lực cản vô hình khắc chế ngành tôm tăng tốc vươn tầm.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Việc tạo sự liên kết chặt chẽ trong ngành tôm từ khâu con giống, thức ăn, vật tư đầu vào cho đến khâu tiêu thụ tôm nguyên liệu cũng đang được các doanh nghiệp ngành tôm chú trọng phát triển, mà điển hình là giải pháp của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã mang lại thành công trong nhiều năm qua. Cụ thể, C.P đã phát triển 20.000 ao tôm hoàn chỉnh và 20.000 ao trong quá trình hoàn chỉnh vòng nuôi khép kín. Với cách nuôi này mỗi ao có thể cho sản lượng 10 tấn tôm/năm. Như vậy, nhu cầu nguyên liệu 1 triệu tấn tôm phục vụ cho chế biến, xuất khẩu là điều có thể đáp ứng được trong thời gian gần nhất.

Theo ông Hồ Quốc Lực, một số giải pháp cần được quan tâm phát triển hiện nay để giải bài toán chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm chính là sự đổi mới của mảng nuôi nhỏ lẻ với chuỗi hợp tác mới và quy trình nuôi mới; vai trò của nuôi quy mô trang trại trong nỗ lực vươn tầm của toàn ngành; vai trò của mô hình tôm – rừng, tôm – lúa. Ba nguồn cung tôm nguyên liệu nêu trên là trọng điểm trong tương lai. Nhìn về hiện tại thì nguồn cung từ nuôi nhỏ lẻ manh mún vẫn còn là chủ lực. Người nuôi nhỏ lẻ đối diện rủi ro rất cao là do nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch, nên tình trạng thiếu nguồn nước nuôi và không nơi xử lý nước thải nên xả ra kênh chung khiến tôm dễ nhiễm chéo là phổ biến. Ứng xử vấn đề này thiết nghĩ việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi là hết sức cần thiết và cấp thiết. Kinh phí có hạn, tập trung vùng trọng điểm. Cơ sở hạ tầng quan trọng nhất là thủy lợi, kế tiếp là điện và đường. Tỉnh Bạc Liêu làm rất tốt, hệ thống kênh dẫn nước biển nuôi tôm được đào sâu, mở rộng với quy mô lớn, thiết nghĩ là bài học cho các tỉnh có nuôi tôm còn lại.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trước mắt trong tháng 6 và cả nửa đầu tháng 7, tình hình cung ứng tôm nguyên liệu nhìn chung vẫn tạm ổn, nhưng khả năng phần lớn sẽ là tôm cỡ trung và cỡ nhỏ. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở đi, khi các nhà máy vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu có thể xảy ra, nếu ngay từ bây giờ tiến độ thả nuôi không được cải thiện.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chia sẻ được sản lượng nguyên liệu cần có, để người nuôi tôm có quyết định đúng đắn trong mở rộng ao, đìa tôm, lựa chọn ứng dụng khoa học kỹ thuật nào để con tôm có thể đạt được chất lượng, kích cỡ như doanh nghiệp và nhà nhập khẩu mong muốn. Bài toán nguyên liệu tôm, cũng như bài toán nguyên liệu của các mặt hàng thủy sản khác đều cần có sự chung tay của các thành viên tham gia chuỗi sản xuất tiêu thụ này.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!