(TSVN) – Trên địa bàn TP Nha Trang hiện có 47 cơ sở sản xuất nước mắm của 39 tổ chức, cá nhân đang có nhu cầu di dời, với tổng diện tích đất đăng ký 29,47 ha. Tuy nhiên, việc quy hoạch cho làng nghề sản xuất nước mắm tập trung, mang tính ổn định, lâu dài còn gặp nhiều khó khăn.
Tại phường Vĩnh Tường, TP Nha Trang có 7 doanh nghiệp và 22 hộ sản xuất nước mắm nằm rải rác trong khu dân cư. Việc này dẫn đến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng và vấn đề vệ sinh môi trường khó kiểm soát, khó duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, việc quảng bá sản phẩm gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn vì các cơ sở sản xuất manh mún…
Theo Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang, cơ sở sản xuất nước mắm của Công ty đã di chuyển đến cảng Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) và cảng Phan Rí (tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, Công ty vẫn giữ lại một cơ sở đóng gói ở Nha Trang do thương hiệu nước mắm 584 Nha Trang đã gắn liền với Công ty.
Cơ sở sản xuất nước mắm 584 Nha Trang. Ảnh: Tieudung.vn
Về nguyên nhân di dời, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, trước đây, khi dân cư còn ít, các khu vực Bình Tân, Vĩnh Trường, Phước Hải (Nha Trang) có nhiều cơ sở sản xuất nước mắm, một số nơi còn phát triển thành làng nghề. Tuy làng nghề nước mắm có trước nhưng sau đó, dân cư ngày càng đông dẫn đến thực trạng các cơ sở chế biến nước mắm lọt thỏm trong khu dân cư. Đường nhỏ, xe chở nguyên liệu không đi được, chi phí tốn kém, trong khi việc bốc xếp cá, mắm… và việc muối cá trong khu dân cư rất hôi, ảnh hưởng đến môi trường. Người dân cũng như chính quyền địa phương nhiều lần phản ánh nên rất áp lực cho các cơ sở sản xuất. “Do đợi quy hoạch khu vực sản xuất nước mắm của tỉnh quá lâu nên hiện nay, không chỉ cơ sở sản xuất nước mắm 584 Nha Trang, mà nhiều cơ sở sản xuất nước mắm lớn ở Nha Trang cũng đã di chuyển đến nơi khác để ổn định sản xuất. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong dân còn rất nhiều. Tuy rất muốn di dời nhưng các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn chưa có cách nào để di chuyển đến nơi khác”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang chia sẻ.
Tương tự với tình trạng của doanh nghiệp nước mắm, ông Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Ngọc Trang, do sự phát triển đô thị với mật độ dân số ngày càng tăng nên việc sản xuất nước mắm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực. Sức ép của người dân ngày càng tăng làm cho các công ty thu hẹp dần quy mô sản xuất. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn thành phố không thể ổn định sản xuất vì không biết lúc nào di dời và di dời về đâu.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường Nha Trang, hiện nay, trên địa bàn TP Nha Trang có 47 cơ sở sản xuất nước mắm của 39 tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời để ổn định sản xuất với tổng diện tích đất đăng ký 29,47 ha. Tuy nhiên, việc xác định vị trí để xây dựng khu sản xuất nước mắm tập trung còn gặp nhiều khó khăn do chưa bổ sung quy hoạch đối với loại hình này nên các vị trí đề xuất không phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020. Mặt khác, người dân, chính quyền các địa phương cũng không ủng hộ. Do đó, cần thiết cập nhật khu đất dự kiến di dời các cơ sở chế biến nước mắm vào quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, Quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện giai đoạn 2021 – 2030; cần có sự ủng hộ của địa phương có quy hoạch khu sản xuất nước mắm.
Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao các sở, ngành phối hợp với Hiệp hội Nước mắm Nha Trang khảo sát một số vị trí trên địa bàn tỉnh để thực hiện di dời các cơ sở chế biến nước mắm. Đồng thời, giao UBND các địa phương: Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh rà soát quỹ đất, có ý kiến gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá vị trí khả thi dựa theo đề xuất của UBND các địa phương.
Hải Đường