(TSVN) – Cá lăng nha có kích thước lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh và giá trị kinh tế cao. Vì vậy, những năm qua, loài thủy sản này đã trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở nhiều địa phương.
Cá lăng nha (hay còn gọi là cá lăng đuôi đỏ), là loài cá da trơn, có hình dáng giống cá trê, thân thuôn dài về hướng đuôi. Miệng rộng, răng thuộc loài răng lá mía. Đầu hình nón, đỉnh đầu nhám, hơi dẹp đứng. Mắt trung bình, nằm gần đỉnh đầu. Màng mang tách khỏi eo mang và phần lớn tách rời nhau. Răng lá mía nằm trên một dãy cong. Vây lưng và vây ngực mang gai cứng có răng cưa ở mặt sau. Vây mỡ ngắn và không kết dính với vây hậu môn. Thân màu xám, phần lưng thẫm hơn phần bụng. Vây bụng màu vàng nhạt, các vây khác màu đỏ nhạt.
Cá lăng nha phân bố rộng ở Ấn Độ Dương và ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng sống ở các sông như sông Đồng Nai. Cá sống thành từng đàn ở tầng đáy nơi có nước chảy nhẹ, cá thích sống sạch, nếu nuôi cá trong ao thì chúng thích sống ở nơi có nhiều giá thể để trú ẩn và hoạt động bắt mồi về đêm. Cá sinh trưởng tốt ở nước ngọt, lợ có độ mặn 5 – 7‰, pH nước từ 6,5 – 7,5. Do cá không có cơ quan hô hấp phụ nên đòi hỏi hàm lượng ôxy hòa tan phải cao (>5 mg/l), cá nuôi bè tốt hơn nuôi ao. Là loài cá ăn tạp thiên về động vật, cá thường chui rúc vào các hốc cây để tìm thức ăn. Trong tự nhiên cá thích ăn các loài cá nhỏ và giáp xác, trong quá trình nuôi có thể tập cho cá ăn thức ăn nổi. Năm thứ nhất cá lớn chậm hơn năm thứ 2, cá 1 năm tuổi đạt trọng lượng 0,7 – 1 kg, 2 năm tuổi đạt 1,5 – 3 kg. Mùa vụ sinh sản chính vào tháng 4 – 10 hàng năm, cá đẻ trứng dính vào giá thể. Một kg cá cái có thể sản xuất được 8.000 – 10.000 cá bột 6 ngày tuổi.
Ở nước ta, cá lăng nha thích hợp với khu vực ĐBSCL, nơi được hưởng nguồn nước ngọt của sông Tiền và sông Hậu. Trước đây, loại cá này chủ yếu được đánh bắt, khai thác từ tự nhiên. Năm 2005, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã cho sinh sản nhân tạo thành công và chuyển giao công nghệ cho một số tỉnh như An Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Định… Từ 2008 – 2010, Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình sinh sản nhân tạo giống và nuôi thương phẩm, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng để nhân rộng mô hình nuôi cá lăng nha. Nhờ đó mà hiện nay, nghề nuôi cá lăng nha đã và đang phát triển khá mạnh ở các vùng nước ngọt và lợ nhẹ thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL; trong đó, phát triển mạnh nhất ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp và An Giang, nguồn giống nuôi chủ yếu là từ sinh sản nhân tạo.
Để nuôi cá lăng nha đạt hiệu quả, có thể áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh trong ao hoặc trong bè. Tuy nhiên, nuôi trong bè cá lớn nhanh hơn. Nhận thấy nuôi loại cá này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình “Nuôi cá lăng nha lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây. Mô hình đã đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng thoát nghèo bền vững. Theo đánh giá của các hộ dân, cá lăng nha là loại cá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật nuôi cao nên ai cũng có thể thực hiện được. Thức ăn chủ yếu của cá là thức ăn công nghiệp (khi cá còn nhỏ) và các loại cá sông, cá biển nên nguồn thức ăn này rất dễ tìm. Đặc biệt, cá được nuôi trong lồng bè gần giống với điều kiện tự nhiên nên công tác chăm sóc, quản lý tốt hơn; tốc độ tăng trưởng lớn nhanh hơn; chất lượng thịt cá bè thơm ngon, săn chắc, nên được thị trường đón nhận.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất gây trở ngại cho việc phát triển mô hình cá lăng nha là rủi ro rất cao, không thích hợp cho những hộ nuôi có vốn nhỏ hoặc không chủ động được nguồn vốn. Ngoài ra, chất lượng con giống chưa tốt làm giảm tỷ lệ sống, cá chậm lớn, kéo dài thời gian nuôi làm gia tăng rủi ro khi nuôi đối tượng này. Do đó, mặc dù thị trường tiêu thụ cá lăng nha hiện còn nhiều tiềm năng, việc phát triển nuôi cá lăng nha thương phẩm hay cung cấp giống đều là hướng đi triển vọng. Thế nhưng, để tạo đòn bẩy giúp người dân yên tâm phát triển nghề này, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về vốn, con giống, kỹ thuật, quy hoạch vùng nuôi hợp lý…
Diệu Châu