Đã đạt nhiều thành tựu về nuôi các đối tượng chủ lực, nhưng nhìn chung nuôi trồng thủy sản nước ta phát triển chưa bền vững, chất lượng và giá trị sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu.
Khó khăn còn nhiều
Năm 2012, nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ta phải đối mặt hai vấn đề lớn: dịch bệnh bùng phát trên tôm nuôi nước lợ và sự khủng hoảng, mất cân bằng cung cầu trong sản xuất và xuất khẩu cá tra dẫn đến giá bán thấp, sản xuất bị thua lỗ và đình trệ. Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nước lợ bùng phát từ năm 2010, năm 2012 vẫn diễn ra trên diện rộng. Đây là hậu quả tất yếu của quá trình tăng trưởng nóng kéo dài nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sức mua trên thị trường tiêu dùng giảm sút, gây khó cho hoạt động sản xuất. Đồng thời, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại, như tăng kiểm soát Ethoxyquin (ở Nhật Bản), kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh (ở Mỹ)… Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn những nguyên nhân chủ quan: công tác quản lý nhà nước về NTTS còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn sản xuất, chưa tạo được chất lượng và thương hiệu tốt cho sản phẩm xuất khẩu.
Phát triển cá tra theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết – Ảnh: Huy Hùng
Kiên trì, chủ động gỡ khó
Ngành nông nghiệp nói chung và NTTS nói riêng đang lập kế hoạch tái cấu trúc theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị. Dự báo năm 2013, NTTS nước ta còn phải tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn: kinh tế toàn cầu có hồi phục nhưng tốc độ chậm, dẫn đến khó khăn về đầu ra cho thị trường tiêu dùng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao; cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, về lâu dài, nhu cầu sản phẩm thủy sản tiếp tục tăng cao. Với tiềm năng sẵn có, NTTS nước ta tiếp tục là một ngành kinh tế quan trọng.
Năm 2013, ngành thủy sản xác định nhiệm vụ ưu tiên là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu cá tra bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm NTTS. Để đạt mục tiêu đặt ra, cần tiếp tục triển khai các giải pháp xác định nguyên nhân hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi nước lợ làm cơ sở xây dựng giải pháp phòng trừ dịch bệnh. Cùng đó, phải tăng cường quản lý chất lượng vật tư đầu vào (như con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học…); đẩy mạnh áp dụng VietGAP, trước hết cho đối tượng nuôi chủ lực và đối tượng có sản lượng hàng hóa lớn là trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn và thúc đẩy phát triển bền vững.
Về tổ chức và quản lý sản xuất, bên cạnh việc củng cố, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về NTTS, cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt cho đối tượng nuôi chủ lực. Việc tổ chức mô hình quản lý sản xuất theo chuỗi và tăng cường liên kết giữa các bên tham gia để chia sẻ lợi ích và rủi ro sẽ góp phần ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh việc tổ chức tốt quản lý sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường để định hướng cho sản xuất và tăng cường xúc tiến thương mại sẽ là yếu tố mấu chốt nâng cao giá trị sản phẩm NTTS. Từ đó thúc đẩy NTTS phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế xã hội và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
>> Việc định hướng đúng chính sách vĩ mô, đầu tư có trọng điểm, xác định và khuyến khích phát triển đối tượng nuôi chủ lực đã góp phần quan trọng đem lại thành quả NTTS. Năm 2012, tổng sản lượng thủy sản nước ta đã đạt 5,8 triệu tấn/năm, trong đó NTTS trên 3 triệu tấn. |
TS. Như Văn Cẩn
Phó vụ trưởng vụ NTTS