Phú Thọ: Nét mới trong phát triển thủy sản ở Thanh Thủy

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng thủy sản ở Thanh Thủy đã có từ lâu đời, nhưng nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa mới phát triển mạnh trong những năm gần đây. Đến nay trên địa bàn huyện đã có hơn 1.200 ha nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn thủy sản các loại.

Sơn Thủy là xã có gần 90% đồng bào công giáo, trước đây cuộc sống của bà con nơi đây rất khó khăn bởi chủ yếu sống nhờ nông nghiệp trong khi đồng dộc, thường bị xô lũ nên năng suất lúa chỉ đạt từ 50-150 kg/sào. Từ khi bà con biết chuyển đổi những ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi chuyên cá hoặc một vụ lúa một vụ cá thì vùng quê này đã có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 14 triệu đồng/người/năm, trong đó chủ yếu nhờ thủy sản. Ông Hoàng Minh Tiến- Trưởng Làng nghề sản xuất và dịch vụ thủy sản Thủy Trạm của xã cho biết: “Làng nghề hiện có gần 100 ha nuôi trồng thủy sản mỗi năm doanh thu gần 25 tỷ đồng chiếm tới 80% tổng giá trị sản xuất của làng. Nếu như trước đây các hộ chỉ có ao nhỏ 1-3 sào thì nay đã dồn điển đổi thửa thành những ao lớn 7-8 sào hoặc trên một mẫu. Ngoài các loại cá truyền thống, bà con còn nuôi các loại cá giống mới, đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Rô phi đơn tính, cá Lăng, cá Nheo… Đến nay sản phẩm cá của làng đã có mặt ở khắp các tỉnh thành lân cận như: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Hà Nội…”. Không chỉ cung cấp cá thịt cho thị trường, làng nghề còn sản xuất cá giống. Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở khu 1 xã Sơn Thủy có 3 ha chuyên sản xuất cá giống mỗi năm cung cấp hơn 300 triệu con cho thị trường các tỉnh phía Bắc.

Nuôi  cá lồng  trên  sông Đà hiệu quả kinh tế  cao. 

Nuôi cá lồng trên sông Đà hiệu quả kinh tế cao.

Không riêng ở Sơn Thủy, nghề cá còn phát triển ở nhiều xã như: Hoàng Xá, Đoan Hạ, Bảo Yên, Tân Phương và Đồng Luận. Thanh Thủy chính là điểm đến của nhiều khách du lịch. Nhờ lợi thế đó nhiều hộ đã phát triển thủy sản theo hướng phục vụ du lịch sinh thái. Vì vậy nuôi thủy sản trên sông, hồ đang hình thành. Anh Nguyễn Kim Trang ở khu 4 xã Bảo Yên đã hợp tác cùng 4 anh em nữa để làm mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, các anh đã đầu tư làm 10 lồng cá với các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao để phục vụ khách du lịch như: lăng, nheo, ngạnh, chiên… Với 10 lồng cá này các anh đã có thu nhập vài tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết để khuyến khích phát triển thủy sản, năm 2004 huyện đã phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2004-2006, định hướng đến 2010. Sau đó huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2006-2010 và bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ, được nhân dân hưởng ứng, nhiều hộ đã tăng nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai thực hiện 2 đề tài KHCN cấp tỉnh liên quan trực tiếp đến kỹ thuật, thủy sản đó là đề tài “Áp dụng bình vây trong sản xuất giống cá chép V1” và đề tài “Nhân giống chép lai trần không vảy Bungari với giống chép đỏ Inđônêxia  để tạo dòng chép lai chất lượng cao”. Đề tài sau khi được triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả cao và là mô hình để nhân ra diện rộng. Đến nay cơ cấu giống thủy sản mới chiếm 40% tổng diện tích nuôi chủ yếu là các loại cá: Rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, cá tra, tôm càng xanh… Trong những năm qua huyện cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề, tập huấn trang bị kiến thức về nuôi trồng thủy sản cho người dân. 100% cán bộ khuyến nông cấp xã được tập huấn về nuôi trồng thủy sản. Các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn cũng được tập huấn về kỹ thuật. Những năm qua ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Thanh Thủy đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển trang trại tổng hợp nhằm khuyến khích người dân sản xuất quy mô lớn.

Với mục tiêu ổn định diện tích nuôi thủy sản hàng năm 1250 ha, sản lượng 2000 – 2100 tấn, huyện Thanh Thủy tiếp tục làm tốt công tác dồn đổi ruộng đất tạo ra vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gồm các xã: Hoàng Xá, Sơn Thủy, Đoan Hạ, Bảo Yên, Đào Xá và thị trấn Thanh Thủy. Huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản đưa các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Phát triển đa dạng hóa các loại hình và các đối tượng thủy sản, tiếp tục mở lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật nuôi thủy sản, từng bước áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến để nghề  thủy sản của Thanh Thủy cung cấp một sản lượng lớn phục vụ nhu cầu trong khu vực và Thủ đô Hà Nội nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trịnh Hà

Báo Phú Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!