Cá tra chưa thể lạc quan

Chưa có đánh giá về bài viết

“Xuất khẩu cá tra năm 2013 có dấu hiệu chậm lại, do EU còn ảnh hưởng khủng hoảng, kinh tế Mỹ chưa phục hồi…” – Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh dự báo tại Hội thảo “Sản xuất và tiêu thụ thủy sản năm 2013”.

Nhiều thăng trầm

Ông Lê Chí Bình, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cho biết: Giá cá tra nguyên liệu đã tăng lại, đang ở mức 22.000 đồng/kg nhưng có thể giảm bất kỳ lúc nào; trong khi giá thành sản xuất 23.000 – 24.000 đồng/kg. Theo ông Bình, năm 2013, để tránh “cung vượt cầu”, cần quy hoạch lại vùng nuôi ở ĐBSCL, toàn vùng chỉ nên sản xuất 800.000 – 1.000.000 tấn; ngân hàng cần giải ngân cho người nuôi và doanh nghiệp, để không bị thiếu vốn sản xuất.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vấn đề nóng đối với nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản năm 2013 là vốn; nếu không sớm cơ cấu lại nguồn vốn thì cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều khó. Nuôi cá tra phải 8 – 9 tháng/vụ, trong khi thời hạn cho vay của ngân hàng là 4 tháng, không đáp ứng được thời gian sản xuất.

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra năm 2013 tiếp tục gặp khó 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ cá tra năm 2012 là 22.777 tỷ đồng, tăng trên 24% so cuối năm 2011. NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hỗ trợ vốn, cơ cấu thời hạn vay vốn dài hơn. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank nhận xét: Trước đây người nuôi cá tra là nông dân, nay doanh nghiệp nuôi là chính; doanh nghiệp vừa xuất khẩu vừa tham gia nuôi cá nên thiếu vốn là đương nhiên.

 

Chưa hết khó

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra có tốc độ tăng trưởng quá nóng, trong 10 năm diện tích nuôi từ 1.200 lên 6.000 ha, tăng 5 lần; sản lượng từ 37.500 lên 1.350.000 tấn, tăng 36 lần; sản lượng xuất khẩu từ 17.000 lên 660.000 tấn, tăng gần 40 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng gần 45 lần, chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Vì tăng trưởng “nóng” nên năm 2012 đã có hơn 40% trong tổng số gần 140 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị “xóa tên”; diện tích và sản lượng đều đạt nhưng giá trị xuất khẩu giảm 3,4% so năm 2011 và chỉ đạt 1,74 tỷ USD.

Ngày 2/3/2012, Hiệp hội Cá tra Việt Nam ra đời. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội, cho biết: Vấn đề then chốt phải giải quyết ngay là cần chấm dứt tình trạng nguyên liệu cá tra lúc thừa lúc thiếu; cơ cấu lại các doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp không được cấu kết với khách hàng bán cá tra không đạt chất lượng, phá giá, làm cá tra mất uy tín trên thương trường… Người nuôi cá cần được minh bạch về giá và hỗ trợ nhiều hơn từ các chính sách vĩ mô, nhất là vốn và giá bán, cho tính giá sàn cá tra như lúa gạo. Đặc biệt, cần trao cho Hiệp hội quyền xử lý đối với nhà máy xuất khẩu không đảm bảo chất lượng.

ĐBSCL đã phát triển được 5.910 ha nuôi cá tra, tăng 450 ha so năm 2011; sản lượng khoảng 1.285.500 tấn. Để giữ vững diện tích 6.000 ha, việc cần làm ngay từ bây giờ là chấn chỉnh xuất khẩu và các doanh nghiệp làm ăn gian dối; cân đối cung cầu cá tra nguyên liệu; rà soát lại quy hoạch vùng nuôi… để ngành cá tra phát triển bền vững, không như trước “mạnh ai nấy làm”.

>> Theo Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 2/2013, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL đạt 1.839 ha, diện tích thu hoạch 213 ha, sản lượng 78.850 ha, năng suất 314 tấn/ha; nhưng giá cá đang thấp khoảng 15% so cùng kỳ năm 2011, người nuôi vẫn gặp khó.

An Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!