Nhiều điểm nóng dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi đã được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, dịch bệnh trên tôm vẫn chưa được khống chế triệt để, các bệnh nguy hiểm vẫn còn xảy ra trong vụ nuôi và ở hầu hết các vùng nuôi.

Bùng phát ở nhiều địa phương

Tại Thái Bình

Năm 2022, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thái Bình khoảng 2.900 ha, trong đó 600 ha nuôi thâm canh, lượng tôm giống thả khoảng 360 triệu con. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến hết ngày 8/5, bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã xảy ra ở 249 ao của 111 hộ thuộc các xã: Thụy Hải, Thụy Xuân (Thái Thụy), Nam Cường, Đông Minh, Nam Thắng, Nam Thịnh (Tiền Hải); tổng diện tích các ao có tôm bị bệnh là 376.000 m2, số lượng giống thả trên 10 triệu con. Bệnh đốm trắng trên tôm được phát hiện từ ngày 20/4 tại một số hộ nuôi thuộc xã Thụy Hải (Thái Thụy). Mặc dù Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khẩn trương phối hợp với các huyện trong giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân cải tạo ao đầm từ đầu vụ, tuy nhiên dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan nhanh.

Tại Nghệ An

Theo báo cáo của UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, tính đến đầu tháng 6/2022, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 109 hộ/191 ao thuộc 4 huyện và thị xã, bao gồm: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu với tổng diện tích bị bệnh 65,57 ha. Trong đó, tôm bị bệnh đốm trắng là 34,98 ha, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 28,87 ha, tôm chết do môi trường 1,72 ha. Bệnh chủ yếu xảy ra tại các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thuộc thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu. Cụ thể, ở thị xã Hoàng Mai có 4 vùng nuôi gồm Quỳnh Dị, Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân với tổng diện tích bệnh 50,47 ha (riêng Quỳnh Xuân trên 40 ha); huyện Quỳnh Lưu có 3 vùng nuôi gồm Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương với tổng diện tích nhiễm bệnh là 14,5 ha; Diễn Châu 0,2 ha và Nghi Lộc 0,4 ha.

Người nuôi cần tuân theo hướng dẫn của các đơn vị chức năng để kiểm soát tình hình dịch bệnh triệt để. Ảnh: Hải Đăng

Tại Bình Định

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, 4 tháng đầu năm, có tổng cộng 41,74 ha xảy ra dịch bệnh, trong đó tôm nuôi ở 1,18 ha tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) và phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) mắc bệnh đốm trắng; tôm nuôi ở 0,56 ha tại 2 xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn) và Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp; riêng tại Tuy Phước, trong đợt mưa trái mùa cuối tháng 3 vừa qua, tôm tại gần 40 ha ao hồ bị chết do sốc môi trường. Diện tích bệnh lũy kế 6 tháng đầu năm là 41,74 ha nuôi TTCT, chiếm 2,2%.

Tại Sóc Trăng

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, do ảnh hưởng thời tiết mưa đến sớm, độ mặn xuống thấp, tôm nuôi có hiểu hiện chậm lớn, diện tích tôm nuôi ở Sóc Trăng bị thiệt hại đang gia tăng làm giảm năng suất tôm nuôi.

Nguyên nhân

Theo phân tích, tôm bị bệnh là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là vấn đề quy hoạch hạ tầng vùng nuôi thiếu đồng bộ, xuống cấp, một số vùng nuôi hệ thống kênh cấp đã bị bồi lắng và chưa có kênh cấp, thoát nước riêng biệt, các ao hồ nuôi ngọt mùa nắng nóng không có nguồn nước bổ sung. Thứ hai, một số hộ nuôi thả sớm so với lịch mùa vụ khuyến cáo của các Sở NN&PTNT, khi môi trường thay đổi làm cho tôm mẫn cảm, bùng phát bệnh. Khi tôm nhiễm bệnh lại không báo cáo lên các cấp, ngành để xử lý mà tự xử lý, thu hoạch.

Do mầm bệnh không được xử lý triệt để, việc khử trùng ao nuôi không tuân thủ đúng quy định nên khi xả thải ra môi trường, mầm bệnh dễ phát tán, lây lan, lưu hành từ vụ nuôi này sang vụ nuôi khác, từ vùng nuôi này sang vùng nuôi khác. Bên cạnh đó, do thời tiết từ những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 diễn biến phức tạp, nhiệt độ biến động lớn, chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm cao kết hợp mưa rào làm cho điều kiện môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, làm giảm sức đề kháng của tôm và bùng phát dịch bệnh.

Kiểm soát chặt

Ngay từ đầu năm 2022, ngành nông nghiệp đã tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch Quốc gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tích cực thực hiện công tác xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt công tác giám sát, cảnh báo dịch bệnh; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; xây dựng chuỗi, cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm dịch động vật thủy sản; quản lý thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản; tổ chức nghiên cứu khoa học, dịch bệnh động vật thủy sản. Về phía Cục Thú y, thực hiện hỗ trợ xuất khẩu thủy sản đi Thái Lan, Hàn Quốc, Australia, Indonesia và các thị trường khác.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, dịch bệnh trên tôm có xu hướng tăng so cùng kỳ năm trước, các bệnh xảy ra chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính; bệnh EHP xuất hiện ở một số địa phương. Một số bệnh thông thường khác trên tôm vẫn xảy ra rải rác. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan và gây thiệt hại cho người nuôi trong thời gian tới là rất cao nếu không áp dụng các biện pháp chủ động để kiểm soát dịch bệnh.

Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý mùa vụ nuôi. Có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, xử lý nước thải, chất thải theo quy định; thực hiện quan trắc môi trường, tổ chức lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, thực hiện kế hoạch giám sát chủ động để dự báo, cảnh báo và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh. Về lâu dài, các cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống cần tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở nuôi thương phẩm xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngoài ra, các cơ sở nuôi tôm cần nắm vững các bệnh tôm thường mắc phải và có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo “4 không”: Không thả tôm giống mang bệnh, không cấp nước chưa qua xử lý vào ao nuôi, không giấu bệnh, không xả thải nước, xác tôm chết do nhiễm bệnh khi chưa được xử lý ra môi trường. Ngành nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nhằm nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với những ao nuôi đã có dịch bệnh phải thu hoạch sớm, người dân cần xử lý ao và nguồn nước bằng hóa chất TCCA trước khi xả ra bên ngoài, đồng thời bảo đảm cách ly từ 30 ngày trở lên trước khi thả nuôi vụ tiếp theo. Còn đối với những diện tích chưa xuất hiện dịch bệnh, cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi và báo ngay với cán bộ khuyến ngư, thú y nơi gần nhất khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường để có biện pháp xử lý kịp thời.

>> 4 tháng đầu năm 2022, theo thống kê bước đầu, diện tích NTTS bị dịch bệnh (chưa xác định được thiệt hại) khoảng 1.200 ha, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là gần 1.000 ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!