(TSVN) – Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cung cấp hồi giữa tháng 7 vừa qua, thị trường nhập khẩu tôm của Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm trong tháng 5/2022 với tình trạng dư cung.
Mỹ đã nhập khẩu 75.484 tấn tôm, trị giá 718,71 triệu USD trong tháng 5/2022, thấp hơn 5% về lượng nhưng lại tăng 5% về kim ngạch. Xét về giá trị qua từng năm, tình trạng dư thừa là phù hợp sau năm kỷ lục 2021, khi giá trị nhập khẩu bắt đầu leo lên mức cao ngất ngưởng vào tháng 5/2021 và kết thúc với mức kỷ lục 896.109 tấn, trị giá 8,0 tỷ USD cho cả năm 2021. Kết quả là, tháng 5/2022 là lần đầu tiên sau 38 tháng, thị trường tôm Mỹ cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 5/2021 đã tăng 112% về khối lượng và 114% về giá trị so với tháng 5/2020 – tháng đầu tiên ngành dịch vụ thực phẩm bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đây cũng là thời điểm mà nhà phân tích cấp cao của Urner Barry, ông Angel Rubio gọi là “sự gia tăng điên cuồng trong nhập khẩu”.
Ông Kevin Tang, Giám đốc điều hành của Công ty Thủy sản Sunnyvale có trụ sở tại Union City, California, cho biết việc nhập khẩu tôm suy giảm là dấu hiệu của tình trạng dư cung trên thị trường và bắt đầu bước vào giai đoạn tự điều chỉnh. “Nguồn hàng sẽ rất lớn trong khoảng tháng 6 và tháng 7, phải đến tháng 9, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ mới tăng trở lại vì đó là thời điểm các công ty chuẩn bị tích trữ hàng cho kỳ nghỉ lễ”, ông Tang nói.
Ông Rubio cũng cho biết sự sụt giảm có thể phục hồi lại do thực tế là nửa cuối năm thường tốt hơn so với nửa đầu năm và nhu cầu của người Mỹ đối với tôm dường như vẫn còn mạnh mẽ.
Chuyên gia nhận định tới tận tháng 9, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ mới tăng trở lại. Ảnh: WashingtonPost
Những biến động của thị trường đã phần nào xáo trộn danh sách các quốc gia nhập khẩu hàng đầu của Mỹ, tuy nhiên trong tháng 5/2022, 10 quốc gia nhập khẩu hàng đầu vẫn thu được kết quả tốt so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 4 nước giảm về khối lượng và 3 nước giảm về giá trị.
Ấn Độ vẫn tiếp tục đứng đầu với khối lượng nhập khẩu đạt 24.786 tấn, trị giá 232,22 triệu USD, tương đương khoảng 9,37 USD/kg, giảm 23% về lượng và 13% về giá trị so với tháng 5/2021, khi Ấn Độ xuất khẩu sang quốc gia này 31.989 tấn, trị giá 267,47 triệu USD. Tuy nhiên, giá trung bình lại tăng so với mức 8,36 USD/kg của cùng kỳ năm trước, tăng 12%. Giá tôm nuôi trung bình của Ấn Độ đối với TTCT cỡ lớn ở bang nuôi chính Andhra Pradesh đã giảm thêm một lần nữa vào hồi giữa tháng 5, với giá tôm loại 30 con/kg giảm trở lại dưới 500 INR/kg lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái. Giá đối với các kích cỡ nhỏ hơn thì tăng nhẹ. Tuy nhiên, nông dân Ấn Độ trong tháng 5 đã phải chống chọi với sự gia tăng chi phí đầu vào – đặc biệt là giá thuốc và thực phẩm tăng đột biến – và giá thủy sản giảm đột ngột, nhất là ở các vùng ven biển ở Repalle và Chirala. Tháng 4/2022, Ấn Độ cũng giữ vị trí số 1 khi xuất khẩu sang Mỹ 19.991 tấn, trị giá 195,39 triệu USD với mức giá trung bình khoảng 9,77 USD/kg.
Cùng lúc đó, Ecuador đã vươn lên vị trí thứ 2 thay thế Indonesia trong tháng 5/2022, với 18.070 tấn tôm, trị giá 136,97 triệu USD, tương đương 7,58 USD/kg, tăng so với mức 16.872 tấn, 116,48 triệu USD của tháng 5/2021. Trước đó, Ecuador đã xuất khẩu 15.299 tấn, trị giá 164,16 triệu vào tháng 4/2022, xếp sau Indonesia và ở vị trí thứ ba.
Ecuador được các nhà xuất khẩu Ấn Độ xem là “mối đe dọa lớn”. Ông Jagdish Fofandi, Chủ tịch quốc gia của Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ cho biết: “Đối với xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các nhà cung cấp của chúng tôi cũng ở Ecuador, và họ có lẽ là nhà sản xuất TTCT lớn nhất hiện nay. Ấn Độ đã có lợi thế về chế biến, chúng tôi đã có sản phẩm tốt hơn và phát triển hơn nhưng có vẻ như Ecuador cũng đang bắt kịp. Và nếu sản lượng Ecuador tăng mạnh thì sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp khác, và tất nhiên, chúng tôi phải sống chung với điều này”.
Ecuador vẫn đang tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa thị trường. Ông Jose Antonio Camposano, người đứng đầu Cơ quan quốc gia về NTTS (CNA) của Ecuador, cho biết nước này đang tái xuất khẩu tôm sang Thái Lan sau sự cố hồi tháng 3/2021 khi phát hiện hội chứng đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô và virus đầu vàng trên một số mẫu tôm của Ecuador. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tuần cuối cùng của tháng 3/2021, Ecuador đã xuất khẩu trị giá 55 triệu USD tôm sang Thái Lan, vượt qua con số 20 triệu USD trong cả năm 2020, ông Camponsano cho biết.
Ngoài ra, ngành tôm Ecuador cũng đã lập kỷ lục vào tháng 5/2022 với 95.000 tấn, đạt 610 triệu USD, nâng khối lượng xuất khẩu hàng tháng lên 14% so với tháng 4/2022 và tăng 29% so với tháng 5/2021; đồng thời, tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuệ Nhi
Tổng hợp