(TSVN) – Quản lý các yếu tố môi trường trong nuôi tôm hiện nay là rất quan trọng để có thể nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó, trước tình trạng nuôi tôm đang phải đối diện với không ít bất lợi từ môi trường nuôi, rất nhiều giải pháp đã được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế; đây đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi tôm quan tâm phát triển.
Nuôi TTCT siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS) là mô hình mới đã được Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ tập trung nghiên cứu phát triển tại trại thực nghiệm của Khoa trong hơn 3 năm qua. Các kết quả đã được triển khai thực tế quy mô 1 ha tại Trại thực nghiệm của Trường trong 1,5 năm qua với 5 đợt nuôi tôm, với hệ thống tuần hoàn gồm 8 ao nuôi tôm và 8 ao xử lý, mật độ nuôi 300 – 350 con/m2, tỷ lệ sống của tôm trên 85% mỗi vụ nuôi, năng suất 35 – 55 tấn/ha/vụ.
Hệ thống máy đo quan trắc môi trường Envisor. Ảnh: TB
Các điểm mới và tiên tiến quan trọng của mô hình này lần đầu tiên được ứng dụng cho nuôi tôm thương phẩm, gồm: Hệ thống nuôi tuần hoàn kín, có hệ thống lọc sinh học gồm đa loài thủy sản, kết hợp lọc sinh học bằng giá thể chuyển động. Cho tôm ăn bổ sung bí đỏ, thay thế một phần thức ăn công nghiệp. Qua đó, môi trường nước rất ổn định; giảm thiểu sử dụng chế phẩm vi sinh, khoáng, hóa chất vào nước; hạn chế sử dụng nước; tái sử dụng nước hoàn toàn, hạn chế thải chất thải; vi sinh tự nhiên, an toàn sinh học; giúp giảm FCR, tăng cường mùi vi, màu sắc, chất lượng tôm tự nhiên; không bổ sung khoáng, chế phẩm vào thức ăn; không dùng thuốc kháng sinh, sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh. Việc sử dụng bí đỏ cho tôm ăn còn góp phần quan trọng cho phát triển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được phát triển trong thời gian qua như: Mô hình “3 tốt”: Tăng trưởng tốt, lợi nhuận tốt, tỷ lệ thành công tốt của Công ty TNHH Uni-President Việt Nam đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực giúp nuôi tôm đạt hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí nhiên liệu… Hay mô hình CPF-Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; mô hình nuôi tôm thâm canh theo công nghệ Biofloc; mô hình nuôi tuần hoàn khép kín (RAS)… đã mang về năng suất, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro dịch bệnh. Những mô hình này nhanh chóng được lan truyền đến nhiều hộ nuôi, dự báo trở thành xu hướng tạo sự thay đổi lớn trong ngành thủy sản Việt Nam.
Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng phát triển mô hình nuôi tôm tiên tiến, công nghệ cao. Như Khoa Thủy sản tại Đại học Khon Kaen và Nhà máy thức ăn chăn nuôi Union của Thái Lan cũng đang thực hiện một dự án nuôi TTCT sử dụng hệ thống tuần hoàn nước có độ mặn thấp. Dự án là sự hợp tác giữa khoa và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Thai Union Feed Mill. Để bền vững, hệ thống nuôi tôm cần có nước tuần hoàn và cách thoát nước thải và chất thải trong ao. Chất thải từ nuôi tôm có thể được chuyển đổi thành thức ăn cho cá, trong khi nước tuần hoàn có thể được xử lý trong một hệ thống khép kín để giảm lượng chất thải ra môi trường. Điều này cho phép người nuôi tôm đạt được mật độ thả cao gấp 4 đến 5 lần so với mật độ nuôi trong ao đất. Một chu kỳ nuôi điển hình trong hệ thống tuần hoàn kéo dài 70 ngày và có thể sản xuất 60 con/kg.
Khun Kamphon Thaiso, trưởng bộ môn thủy sản thuộc Khoa Nông nghiệp của Đại học Khon Kaen cho biết, TTCT là loài tôm biển quan trọng nhất về kinh tế của Thái Lan và có nhiều tiềm năng được nuôi trong môi trường có độ mặn thấp. Khoa đã và đang làm việc để tạo ra một hệ thống lưu thông cho phép tôm được nuôi trong nước ngọt với độ mặn thấp. Hệ thống được thiết kế để không thải nước, thân thiện với môi trường. Mô hình này có khả năng nuôi 300 con/m2 và có sản lượng sản xuất tương tự như các hệ thống thông thường (chu kỳ 70 ngày, sản xuất 60 con tôm/kg). Các nhà nghiên cứu chia sẻ rằng những kết quả này có thể được sử dụng để thúc đẩy hệ thống tuần hoàn nước ngọt mới cho người nuôi tôm trên khắp Thái Lan.
Hồng Hạnh
Tổng hợp