(TSVN) – Diễn đàn tôm Việt 2022 với chủ đề “Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu (BSA), Hội Nghề cá Việt Nam và OXFAM tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/7/2022 vừa qua tại tỉnh Bạc Liêu đã giới thiệu nhiều công nghệ mới.
Trong nuôi tôm, ương là giai đoạn quan trọng nâng cao tỷ lệ thành công. Bởi vì, tôm giống khi ở trại sản xuất có môi trường được kiểm soát hoàn toàn nhưng chuyển sang nuôi thương phẩm, gặp ngay nhiều mối đe dọa. Khi vận chuyển có thể bị thiếu ôxy, mật độ quá dày trong bao PE, sau đó tôm con thả vào môi trường mới khắc nghiệt như thiếu thức ăn, thức ăn nghèo dinh dưỡng, môi trường biến đổi liên tục khiến tôm con dễ bị stress, đói ăn, ốm yếu và dễ nhiễm bệnh mà chết nên khâu ương cần thiết và không thể thiếu để giúp tôm con thích nghi với môi trường mới.
Tuy nhiên, thực tế là trong lựa chọn thức ăn cho tôm giai đoạn ương, người nuôi chỉ quan tâm đến hàm lượng đạm, mà ít chú ý đến các chỉ tiêu dinh dưỡng khác như HUFA và các phụ gia chức năng.
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đi khảo sát và tham quan một số mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm tại Công ty Trúc Anh. Ảnh: Trúc Anh
Từ đó, nhu cầu ra đời thức ăn ương (vèo) có ứng dụng công nghệ vi sinh. Cụ thể, được giới thiệu tại hội thảo là loại thức ăn sản xuất chuyên biệt cho giai đoạn ương tôm nhãn hiệu LARVIVA sản xuất tại Pháp do Công ty BioMar Việt Úc phân phối, đã thử nghiệm tại vùng nuôi của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ – Bình Định.
Kết quả, tôm ương sử dụng thức ăn LARVIVA có tốc độ tăng trưởng trung bình cao nhất đạt 0,018 g/ngày, cao hơn tôm sử dụng thức ăn đối chứng 38,5 % – 64%. Tốc độ tăng trưởng đặc trưng, kết quả tối ưu khi SGR đạt 23,8 %/ngày, cao hơn tôm sử dụng thức ăn đối chứng chỉ đạt 22,3 – 21,7 %/ngày. Tỷ lệ sống cao nhất là 87,5%, cao hơn tôm sử dụng thức ăn đối chứng là 84,1% – 85,6%.
Với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất thức ăn cho tôm ương LARVIVA cùng với chế độ cho ăn hợp lý của BioMar khi bổ sung vi sinh và nấm men tạo ra dòng thức ăn giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi và ức chế mầm bệnh. Từ đó đã giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng tỷ lệ sống, tăng trưởng và năng suất của TTCT.
Công ty TNHH Công nghệ UV Best giới thiệu công nghệ “Ứng dụng đèn UV trong nuôi siêu thâm canh TTCT”. Hiện nay, TTCT chiếm khoảng 90% sản lượng tôm nuôi toàn thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thâm canh, chất hữu cơ hòa tan, tảo và khí độc (TAN, NO2)… trong ao nuôi lại có xu hướng tăng. Để hạn chế ảnh hưởng của tảo và khí độc đến tôm, người nuôi tôm thường xuyên thay từ 30 – 50% nước ao nuôi. Việc thay nước thường xuyên dễ dẫn đến việc lây lan mầm bệnh vào hệ thống nuôi.
Chiếu xạ tia cực tím (UV-C) là phương pháp vật lý thường được sử dụng để khử trùng nguồn nước. Tia cực tím (UV-C) có khả năng tiêu diệt nhanh mầm bệnh (99,9%), tiêu diệt tảo, không gây biến đổi chất lượng nước. Do đó, công nghệ xử lý nước bằng đèn UV ứng dụng trên các hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh đã chứng minh hiệu quả.
Đèn cực tím diệt vi sinh vật gây bệnh khi dòng nước chảy qua, nên việc lắp đặt đèn UV trong nuôi tôm siêu thâm canh sẽ tiết kiệm được diện tích đất làm ao lắng và xử lý nước và giảm được áp lực về thời gian xử lý nước.
Qua thực tế cho thấy ưu điểm của đèn UV là hiệu quả cao trong diệt nhanh mầm bệnh, thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện tỷ lệ thành công của vụ nuôi, giúp giảm chi phí vụ nuôi, qua đó góp phần tăng lợi nhuận. Thân thiện môi trường là vì tia UV có khả năng thay thế 100% Chlorine và thuốc tím trong tiêu diệt mầm bệnh mà không sinh ra bất kỳ sản phẩm phụ nào có hại cho môi trường nước nuôi tôm.
Nhược điểm là tia UV chỉ đóng vai trò tiêu diệt vi sinh vật trong nước nhưng không làm thay đổi chất lượng nước. Do đó, những khu vực nuôi tôm có nguồn nước cấp bị ô nhiễm kim loại nặng, hàm lượng TAN và NO2 trong nước cao thì cần phải có ao lắng xử lý trước khi cấp qua đèn UV. Tia UV có thể gây hại cho người khi tiếp xúc trực tiếp.
Quy trình nuôi TTCT siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ Trúc Anh, của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (Trúc Anh BiOtech) ra đời 5 năm trước và đang phát triển. Quy trình này hiện đã có bộ 5 dinh dưỡng thay thế kháng sinh và sử dụng vi sinh thay thế hóa chất trong ao nuôi tôm.
Ưu điểm dễ thấy là: Không sử dụng kháng sinh, hóa chất; chỉ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học. Ít thay nước gắn kết môi trường góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Giảm thiểu hiện tượng chết sớm 25 – 30 ngày tuổi. Tăng năng suất, tăng số vụ nuôi (80 – 120 tấn/ha/năm với 3 – 4 vụ/năm). Chi phí tôm loại 50 con/kg khoảng 65.000 – 72.000 đồng/kg. Quy trình nuôi dễ thực hiện, có tính nhân rộng cao.
Qua thực tế, giai đoạn ương có tỷ lệ sống đạt 93% và giai đoạn nuôi thu có lợi nhuận đạt 80%. Trúc Anh BiOtech cho biết, tổng kết 5 năm đã có 10.000 khách hàng ở 23 tỉnh/thành trong cả nước ứng dụng với hơn 1.000 mô hình cho kết quả tốt. Kế hoạch năm 2022, Trúc Anh BiOtech tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thực hiện 1.494 mô hình. Trong đó, phía Bắc có 104 mô hình, còn lại ở ĐBSCL. Trong vùng ĐBSCL, nhiều nhất là tỉnh Cà Mau với 377 mô hình, tiếp đến là tỉnh Bạc Liêu 234 mô hình, tỉnh Sóc Trăng và Kiên Giang đều xấp xỉ 200 mô hình.
Sáu Nghệ