(TSVN) – Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra đời được kỳ vọng sẽ làm thay đổi toàn diện lĩnh vực khai thác hải sản; khi đó, tàu vỏ thép sẽ trở thành “căn cứ địa” an toàn của ngư dân khi sản xuất trên biển. Tuy nhiên, dù số tiền đầu tư lớn nhưng những con tàu thép không mang lại hiệu quả như mong đợi khiến không ít ngư dân ôm nợ ngày một lớn. Và hiện nay, nợ xấu “tàu 67” đang ở mức rất cao, gây khó khăn cho cả ngân hàng và ngư dân.
Năm 2014, Nghị định 67/NĐ-CP ra đời với mục tiêu tạo một cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân có được những con tàu cá vững mạnh hơn để vươn khơi, vừa đảm bảo hiệu quả và an toàn trong sản xuất trên biển, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. Chủ trương của Nghị định nêu rõ, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư, thời hạn vay tới 11 năm với lãi suất thấp nhất là 1%/năm. Đây được coi là cơ chế tín dụng rất lớn trong ngành nông nghiệp lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, chủ trương này đã không đạt được mục đích như kỳ vọng. Phần lớn “tàu 67” không phát huy được công dụng, không mang lại hiệu quả như mong muốn mà trở thành gánh nặng của ngư dân; khi sản xuất ngày một đi xuống, ngư dân không bù đắp được khoản nợ đã vay, nợ chồng nợ và dần trở thành nợ xấu.
Tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi đang chờ bán đấu giá để trả nợ. Ảnh: Hải Phong
Mới đây, trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến cuối quý I/2022, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là 9.482 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,26%; tại nhiều tỉnh, thành tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này trên 50%, trong đó tại Bình Định, tỷ lệ nợ xấu lên tới 98%. Và trong 28 tỉnh, thành phố ven biển thì chỉ có TP Hồ Chí Minh không phát sinh dư nợ cho vay theo Nghị định 67.
Đơn cử như tại Quảng Nam, thực hiện chủ trương Nghị định 67, tỉnh đã phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân cho 63 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp với tổng số tiền 719,356 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả, nằm bờ và kéo theo đó số nợ xấu ngân hàng lên tới hơn 258 tỷ đồng. Tàu bị thanh lý với giá chỉ bằng 1/10 giá trị ban đầu.
Về hướng giải quyết vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 27 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng, hiệu quả hoạt động của từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng loại nguyên nhân; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xác định rõ nguyên nhân chủ tàu không trả nợ vay đúng hạn để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện biện pháp hỗ trợ trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn…
Để dần tháo gỡ cục diện khó khăn này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với những khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành, đơn vị khác làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của ngư dân như: tàu đóng mới kém chất lượng, năng lực khai thác yếu kém, ngư trường không thuận lợi, chính sách bảo hiểm chưa hiệu quả, chuyển đổi nghề khai thác… thì Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời nắm bắt và nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính để xem xét xử lý, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo hiệu quả triển khai chương trình.
Riêng với Bộ NN&PTNT, Bộ này đã khẩn trương phối hợp các đơn vị có liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo Nghị định 67. Đồng thời, cùng với ngành, địa phương thực hiện rà soát lại nguồn thủy sản, ngư trường, quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ tiền dầu, duy tu, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại nguồn thủy sản, ngư trường, quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ tiền dầu, duy tu, bảo dưỡng.
Hồng Hà