(TSVN) – Đây là chủ đề Hội thảo được Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam tổ chức sáng nay (4/8) tại Triển lãm ILDEX 2022 với sự tham dự của nhiều đại diện các ban, ngành quản lý nhà nước, các học viện, các Viện nghiên cứu cùng các doanh nghiệp và các trang trại nuôi.
Ngành chăn nuôi bò thịt, dê thịt ở Việt Nam đã gắn với người dân từ bao đời nay. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc nhai lại mới cung cấp được gần 50% cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, còn 50% vẫn nhập khẩu bên ngoài. Riêng thịt bò, theo báo cáo “Triển vọng phát triển nông nghiệp 2021 – 2030” của FAO, bình quân tiêu thụ thịt bò của người Việt Nam là 7,3 kg, trong đó sản xuất trong nước mới đảm bảo được 40% còn 60% phải nhập từ nước ngoài. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2019 – 2021, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu thịt trâu, bò trên dưới 1 tỷ USD, trong đó có đến 400 – 500 trâu bò sống.
PGS. TS Hoàng Kim Giao – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: HL
Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, PGS. TS Hoàng Kim Giao – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cho biết: “Mặc dù chăn nuôi bò, dê là lâu đời và là nghề truyền thống của người Việt Nam nhưng đến bây giờ, chăn nuôi loại gia súc này vẫn còn gặp nhiều vấn đề cản trở. Chúng ta chưa có giống nào chuyên thịt như bò thịt, dê thịt mà chúng ta chỉ có con lai, con kiêm dụng. Mặc dù các giống chuyên dụng thịt nổi tiếng trên thế giới đã có ở nước ta, tất nhiên chúng ở dạng tinh trùng hoặc đực giống; Chúng ta vẫn chưa có quy trình kỹ thuật nuôi đúng và nuôi vỗ béo cho từng loại bò, dê; Chúng ta chưa có hoặc có rất ít các mô hình chăn nuôi, vỗ béo bò thịt, dê thịt theo đúng nghĩa; Hệ thống giết mổ, phân loại thịt theo chất lượng của ta chưa đúng và hệ thống phân phối lưu thông chưa phù hợp; Chính sách khuyến khích động viên đi liền với sự hỗ trợ về vốn, đất cho chăn nuôi chưa phù hợp và chưa liên tục; Dịch bệnh thường xuyên đe dọa và người chăn nuôi đôi khi chưa thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật hoặc các quy định của nhà nước”.
Hội thảo cũng đã cung cấp một bức tranh khái quát về tình hình chăn nuôi bò, dê của Việt Nam, cung cấp cho người chăn nuôi, người quản lý biện pháp kỹ thuật được áp dụng những kinh nghiệm thực tế tại các địa phương trong chọn lọc nhân giống, quản lý đàn, trong tạo nguồn và chế biến thức ăn, trong phòng chống dịch bệnh, nâng cao khả năng sinh sản của loài vật nuôi này…
HL