(TSVN) – Đó là giải pháp dự báo và khai thác cá hiệu quả kết hợp công nghệ vệ tinh ứng dụng trong thiết bị phao dò cá của ông Đồng Quang Hùng (tại tỉnh Khánh Hòa), đã đạt giải đặc biệt Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022. Sản phẩm được nghiên cứu với mục đích hỗ trợ ngư dân tăng năng suất đánh bắt cá, giảm bớt chi phí đi lại khi sử dụng chà truyền thống.
Ông Đồng Quang Hùng, Công ty TNHH Zunibal Việt Nam (Khánh Hòa) chia sẻ, khai thác cá bằng phương pháp truyền thống có nhiều cách, chủ yếu ngư dân dựa vào kinh nghiệm. Ví dụ, lợi dụng các đặc tính trú mát của cá mực, ngư dân thường sử dụng tre, lá dừa hoặc các vật dụng nổi khác kết lại và thả trên biển tạo ra bóng mát nhằm thu hút cá mực đến trú ngụ, rồi sử dụng lưới để đánh bắt. Phương pháp đánh bắt như vậy gọi là nghề chà rạo hay nghề mành chà. Trước đây, nghề mành chà hoạt động chủ yếu ở vùng ven bờ, nhưng dần dần đã mai một vì nguồn lợi thủy sản ven bờ đã ngày càng cạn kiệt, thêm vào đó với sự khai thác tận diệt của nghề lưới kéo, khai thác thủy sản gần bờ đã không còn hiệu quả.
Tại các quốc gia phát triển, ứng dụng công nghệ vệ tinh vào khai thác thủy sản đã được áp dụng từ hơn 20 năm trước, đặc biệt như các nước Tây Ban Nha, Italy, Nhật… Họ đã chế tạo ra cây chà rồi thả trôi nổi trên biển, đặt cạnh chà là các thiết bị dò cá, các thiết bị dò cá sẽ báo vị trí, sản lượng dự kiến cá về trung tâm được đặt trên tàu thông qua sóng vệ tinh. Qua đó, chủ tàu sẽ đánh bắt cá ở những nơi có dự báo trữ lượng cá lớn, việc làm này vừa khai thác có hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu.
Từ thực tế đó, ông Đồng Quang Hùng cùng nhóm nghiên cứu đã cho ra đời hệ thống dự báo và khai thác cá. Việc ứng dụng giải pháp này khá đơn giản, ngư dân chỉ cần cột thiết bị phao dò cá bên cạnh chà nổi, dựa vào các dữ liệu phao dò cá gửi về thông qua sóng vệ tinh, chủ tàu có thể xác định vị trí đánh bắt, các tín hiệu dự báo như tọa độ, cá ở độ sâu bao nhiêu, khối lượng cá dự kiến, nhiệt độ nước, dòng chảy…
Ông Hùng cho biết, phao dò cá được thiết kế như một thiết bị truyền dẫn thông tin thông qua tín hiệu vệ tinh không giới hạn khoảng cách. Thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời và có khả năng tích trữ điện năng khi hoạt động trong môi trường mưa bão với độ chống chịu theo chuẩn quốc tế IP68 về chống bụi và nước. Đầu dò cá sử dụng sóng âm để thu thập và phân tích dữ liệu thông tin đàn cá như màu sắc, hình dạng, mật độ, độ sâu phân bố… Phao dò cũng cung cấp các dữ liệu về hải dương tại khu vực phao và truyền thông tin đến tàu cá hoặc truyền về bờ bằng công nghệ vệ tinh. Thiết bị dò cá cứ 20 giây phát tín hiệu dò một lần, thể hiện trên dải dữ liệu để giúp chủ tàu cá xác định chính xác thông tin về đàn cá thông qua sóng vệ tinh. Khi nhận được các thông tin tín hiệu đàn cá trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, chủ tàu hoặc thuyền trưởng lập phương án tiếp cận, xác định thời điểm, vị trí tổ chức đánh bắt phù hợp. Giải pháp này giúp ngư dân không phải phải chạy tàu đến các chà nổi để xác định có cá ở khu vực không, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, sản lượng đánh bắt cá tăng từ 3 – 5 lần.
Theo nhóm nghiên cứu, ưu điểm lớn của giải pháp là chỉ với chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ngư dân có thể tiếp cận được công nghệ và tăng sản lượng đánh bắt cá từ 3 đến 5 lần, đồng thời tiết kiệm 40% nhiên liệu. Giải pháp cũng giúp cung cấp nguồn dữ liệu có ý nghĩa trong việc đánh giá dự báo ngư trường, phục vụ cơ quan nghiên cứu và dự báo nguồn lợi khai thác hải sản. Với khoảng gần 44.000 tàu các nghề (lưới vây, lưới rê, câu cá ngừ đại dương), giải pháp này có thể đem đến quy mô thị trường giá trị lên đến 5 triệu USD/năm.
Được biết, tháng 2/2021, ông Đồng Quang Hùng cùng nhóm nghiên cứu hoàn thành phiên bản thử nghiệm phao dò tìm đàn cá tại chà nổi cố định ở Việt Nam. Tháng 7/2021, nhóm tiến hành triển khai thử nghiệm giải pháp dò cá kết hợp chà tại các tỉnh Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa. Tháng 2/2022, sau 5 tháng thử nghiệm, sản phẩm đã có những khách hàng đầu tiên.
Hiện tại ở Việt Nam, nghề lưới kéo hay còn gọi là giã cào mang phương thức đánh bắt tận diệt không phân biệt cá lớn nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt nghề giã cào thường xuyên đánh bắt gần bờ, tàn phá môi trường sinh thái biển. Việc ứng dụng giải pháp này có thể cơ cấu lại ngành nghề giã cào sang nghề lưới vây, giúp thân thiện hơn với môi trường, vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời, góp phần phát triển bền vững nguồn lợi hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thiên Lý