(TSVN) – Là ngành hàng mang về kim ngạch xuất khẩu 1,6 – 1,8 tỷ USD mỗi năm, nhưng “cái nôi” sản xuất cá tra ĐBSCL cũng đang đối mặt với không ít thách thức: chất lượng con giống suy giảm, nguồn cung thiếu ổn định. Việc tìm giải pháp tháo gỡ để cải thiện chất lượng nguồn cá giống là hết sức cấp bách.
Vấn đề này đã được đưa ra bàn luận tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra”, do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp ngày 18/8 vừa qua.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang với tổng diện tích 350 ha. Trong đó, diện tích mặt nước sản xuất giống là 240 ha, năng lực sản xuất 900 triệu con giống cỡ 20 – 25 con/kg. Còn tại TP Cần Thơ, Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung” và Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá tra vùng ĐBSCL” tại Trung tâm Giống thủy sản cấp I Cần Thơ cũng đã được tỉnh này triển khai. Kết quả cho thấy, chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra đã sản xuất, cung ứng cho vùng ĐBSCL khoảng 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc.
Nguồn: Bộ NN&PTNT; Đồ họa: TSVN
Để cải thiện tốc độ tăng trưởng, nâng cao tỷ lệ sống giai đoạn ương và kháng bệnh gan thận mủ, trong giai đoạn 2010 – 2020, dự án sản xuất giống cá tra chất lượng cao do Viện Nghiên cứu NTTS II (Viện II) thực hiện đã cung cấp, thay thế gần 162.000 con cá tra bố mẹ chọn giống, thay thế đàn cá bố mẹ quá lứa, sức sinh sản kém, tỷ lệ sống thấp; cung cấp, bổ sung vào quần đàn cá bố mẹ đang bị thiếu hụt cho các trại sản xuất khu vực ĐBSCL. Giai đoạn 2017 – 2020, dự án đã phát tán 60.000 con cá tra chọn giống cho 29 cơ sở sản xuất giống thuộc 7 tỉnh/thành phố khu vực với tỷ lệ đực/cái là 35/65. 100% cá tra hậu bị được đánh dấu vị trí DCWT để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc.
Ông Trần Hữu Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (thuộc Viện II) cho biết, việc cung cấp đàn cá tra bố mẹ đã qua chọn lọc nâng cao tốc độ tăng trưởng có ý nghĩa lớn đối với nuôi thương phẩm, đặc biệt đối với Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, nhằm cung cấp đủ cá tra giống có chất lượng cao cho ĐBSCL. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cá tra lớn như Nam Việt, Vĩnh Hoàn, Việt Úc cũng có chương trình nghiên cứu, chọn lọc, sản xuất và cung cấp cá giống chất lượng cao cho chương trình nội bộ và có thể cung ứng ra thị trường. Giai đoạn 2022 – 2025, dự kiến 75.000 con cá hậu bị chọn giống chất lượng cao sẽ được cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL trong khuôn khổ Chương trình giống theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về tình trạng thiếu hụt nguồn con giống để nuôi thương phẩm, theo ông Trần Hữu Phúc là do thiếu HCG (kích dục tố màng đệm) cục bộ. Ông Phúc giải thích: “Đây là một trong các loại kích dục tố sử dụng cho cá đẻ bên cạnh não thùy cá, LRHa, DOM…; nhưng do thói quen sử dụng nên người sản xuất cá bột đã lựa chọn sản phẩm này thay vì sử dụng những sản phẩm có tính năng tương tự đã gây ra sự thiếu hụt cục bộ. Vì vậy, rất cần có giải pháp thay thế sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu sản xuất”.
Chất lượng nguồn giống không cao dẫn đến dịch bệnh trên cá tra xuất hiện nhiều hơn so với các năm trước, thời gian nuôi kéo dài hơn. Nếu năm 2021, dịch bệnh trên cá tra xảy ra tại 32 xã của 13 huyện thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, với diện tích 501 ha thì 7 tháng đầu năm 2022, con số thiệt hại ghi nhận trên 300 ha, tại 53 xã thuộc 18 huyện của 3 tỉnh gồm: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Mặt khác, dù sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ 500 triệu con vào năm 2000 lên gần 16 tỷ con hiện nay nhưng sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ hơn 2 tỷ con. Điều này cho thấy tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi cá tra giống không cao. Nguyên nhân là do mật độ ương quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ương đang giảm.
Một khó khăn khác được ông Nhữ Văn Cẩn dẫn giải là do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguồn nước từ thượng nguồn thất thường nên đã xuất hiện tình trạng dịch bệnh trên cá giống, đặc biệt là bệnh thối đuôi, thiếu vây… Tỷ lệ sống khi ương dưỡng từ giai đoạn cá bột lên cá giống còn thấp (khoảng 15%), giá thành sản xuất con giống còn cao. Bên cạnh khó khăn về mặt kỹ thuật, theo ông Cẩn, các dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất ương dưỡng giống cá tra thuộc Đề án giống cá tra 3 cấp còn chậm, dự án sản xuất giống cá tra cũng chậm phê duyệt nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, phát tán đàn cá tra chọn giống. Vì vậy, tình trạng sử dụng cá bố mẹ chưa rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn diễn ra, đặc biệt trong giai đoạn khan hiếm con giống có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của toàn chuỗi ngành hàng.
Cũng liên quan đến chuỗi ngành hàng cá tra, ông Cẩn cho rằng, công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Số lượng cơ sở ưỡng dưỡng giống thủy sản chưa được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận còn thấp, cần được quan tâm thực hiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và kiểm soát tốt chất lượng cá giống. Ông Cẩn dẫn chứng: “Đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra bố mẹ: Tổng cục Thủy sản thực hiện đánh giá, cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 2/2 cơ sở. Đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra: Các địa phương thực hiện kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống cho khoảng 39,8% cơ sở sản xuất giống và 4% cơ sở ương dưỡng giống cá tra”.
Để tận dụng triệt để các cơ hội từ thị trường mang lại, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần có sự thay đổi thật sự về kỹ thuật từ khâu sản xuất, ương dưỡng giống đến khâu nuôi thương phẩm. Theo ông Luân: “Không thay đổi về mặt kỹ thuật là không thể phát triển hiệu quả được. Cần có đánh giá cụ thể tính hiệu quả của công tác giống đối với nghề nuôi cũng như những hạn chế, bất cập cần giải quyết. Các tài liệu kỹ thuật, quy chuẩn của nghề nuôi đã có nhưng việc ứng dụng vẫn chưa triệt để. Con giống luôn có mối liên hệ mật thiết với thị trường tiêu thụ cá tra, nên việc sản xuất giống cũng cần cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu, để từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp tránh tình trạng thừa, thiếu, mỗi khi có biến động từ thị trường nhập khẩu”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo: “Phải nói thật, làm thật mới đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nguồn giống phục vụ sản xuất. Các địa phương cần phối hợp với các Viện, Trường tiến hành rà soát lại các khâu trong chọn lựa giống. Cần rà soát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng con giống để đảm bảo nguồn giống chất lượng và an toàn dịch bệnh. Riêng việc ứng dụng công nghệ số vào nghề nuôi cá tra là cần thiết, nhưng cần được triển khai một cách đồng bộ”.
Xuân Trường