(TSVN) – Trong điều kiện căng thẳng, số lượng gốc tự do tăng lên đáng kể, ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc sức khỏe của vật nuôi thủy sản. Do đó, cần chiến lược kháng ôxy hóa tự nhiên và an toàn cho vật nuôi.
Thông thường, cần bổ sung chất dinh dưỡng có khả năng kháng ôxy hóa tự nhiên cho vật nuôi cao sản hoặc suốt quá trình căng thẳng, nhằm hỗ trợ sức khỏe của động vật. Nhiều thành phần dinh dưỡng có tác dụng chống ôxy hóa cực kỳ hiệu quả. Trong đó có các thành phần tự nhiên khác nhau chứa polyphenol.
Polyphenol là hợp chất tự nhiên có trong thực vật với nhiều hoạt tính sinh học. Nhiều nghiên cứu đã công nhận đặc tính của polyphenol về chống viêm và kháng ôxy hóa. Polyphenol có trong các loại thảo mộc, rau gia vị, thân cây, hoa… thậm chí cả rong biển; chúng là các chất chuyển hóa thứ cấp của thực vật, tham gia vào hệ thống miễn dịch.
Rất khó xác định chất chống ôxy hóa tự nhiên tốt nhất. Các yếu tố môi trường, như đất, tiếp xúc ánh sáng, lượng mưa, phương pháp nuôi và năng suất quả trên mỗi cây đều tác động mạnh mẽ đến nồng độ và hoạt tính cuối cùng của chất chống ôxy hóa. Các phương pháp In vitro là hướng tiếp cận cơ bản nhất để đánh giá các chất chống ôxy hóa, tuy nhiên, vẫn cần phải có các thử nghiệm in vivo để xác minh hiệu quả. Do đó, cách tiếp cận khoa học để xác định chất chống ôxy hóa lý tưởng có thể được chia thành hai bước: đánh giá các thành phần riêng lẻ và đặc tính thay đổi của chúng và xây dựng công thức của các thành phần tối ưu.
Để minh họa tính chất biến đổi của các thành phần, người ta đã áp dụng một phương pháp mới đây (hình 1) để đo hoạt tính chống ôxy hóa của phlorotannin trong nhiều loại rong biển có xuất xứ khác nhau. Phlorotannin là một loại polyphenol trong tảo màu nâu như tảo bẹ và chỉ có trong các loại rong biển. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, giữa các loại rong biển khác nhau, thậm chí cùng một loại rong biển thì lượng polyphenol cũng rất khác biệt. Phát hiện này cũng được ghi nhận trên các loại thực vật khác. Đây là lý do các chuyên gia công thức cần lựa chọn cẩn thận nguồn và chất lượng của chất chống ôxy hóa để đảm bảo chất lượng và hiệu quả nhất quán trong thức ăn.
Để xây dựng công thức thức ăn, cần cân nhắc số lượng chất chống ôxy hóa tự nhiên; quá trình này có thể mất thời gian, nhưng không có nghĩa lãng phí thời gian. Quan trọng hơn, nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh hiệu lực hợp đồng giữa các nguồn polyphenol khác nhau (Liu, 2014), đây cũng là cách tiếp cận chiến lược và linh hoạt nhất.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tiềm năng của các chất chống ôxy hóa tự nhiên để tăng cường hoặc bổ sung cho các hoạt động của các chất chống ôxy hóa khác như Vitamin E. Hiệu lực hiệp đồng này đã được ghi nhận rõ ràng trong nhiều tài liệu nghiên cứu và đang thu hút sự chú ý của chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng giá nguyên vật liệu như hiện nay.
Các thử nghiệm gần đây về hỗn hợp chất chống ôxy hóa tự nhiên, gồm polyphenol từ trái cây, rau và rong biển cho thấy giải pháp này hiệu quả như thế nào trong việc tối ưu các công thức thức ăn và duy trì hiệu suất chăn nuôi. Rõ ràng, sử dụng hỗn hợp các chất chống ôxy hóa là một giải pháp mang tính chiến lược, tuy nhiên còn phụ thuộc vào liều lượng sử dụng từng chất, công thức thức ăn, môi trường và điều kiện kinh tế của người nuôi.
Bổ sung chất chống ôxy hóa tự nhiên hỗ trợ vật nuôi vượt qua các tác nhân gây stress do môi trường trong suốt quá trình nuôi thâm canh. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tối ưu hóa công thức thức ăn và hiệu quả của vitamin.
Trong một thử nghiệm mới đây về tác động của việc thay thế một phần Vitamin E (đối chứng) bằng giải pháp kết hợp các polyphenol từ thực vật và rong biển/tảo biển, các chuyên gia đã cho tôm ăn khẩu phần thương mại với lượng Vitamin E 600 IU, hoặc thức ăn thay thế trong đó một phần Vitamin E được thay bằng hỗn hợp polyphenol thực vật và tảo biển. Kết quả cho thấy, việc thay thế trên 50% lượng Vitamin E bằng công nghệ mới không ảnh hưởng đến hiệu suất của tôm. Các nghiệm thức thay thế (kết hợp Vitamin E với chất kháng ôxy hóa tự nhiên) thậm chí làm giảm FCR rõ rệt và nâng cao tỷ lệ sống sau 45 ngày. Về tác động kinh tế, sự kết hợp này giúp người chăn nuôi tiết kiệm đáng kể trong khi sản lượng trên mỗi ao vẫn tăng cao.
Kết quả này chứng minh thay thế một phần Vitamin E bằng công nghệ mới, cụ thể hỗn hợp polyphenol thực vật và tảo biển không làm giảm hiệu suất tăng trưởng sau 42 ngày. Do đó, đưa công nghệ này vào khẩu phần ăn giúp chuyên gia dinh dưỡng tối ưu công thức thức ăn từ đó giảm chi phí và rủi ro quản lý suốt thời tăng giá nguyên liệu.
Các chất chống ôxy hóa tự nhiên được lựa chọn kỹ lưỡng chính là công cụ linh hoạt cho các chuyên gia dinh dưỡng để tối ưu công thức thức ăn theo thời gian, đồng thời là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu tác động tiêu cực của các yếu tố căng thẳng và thách thức khác nhau. Các chất chống ôxy hóa tự nhiên thế hệ mới, kết hợp với các nguồn phyogenic và phycogenic chất lượng cao và ổn định (như chất chuyển hóa từ thực vật và rong biển) mở ra nhiều kỳ vọng thúc đẩy hiệu suất nuôi cho các trại tôm và cá, giảm rủi ro sức khỏe vật nuôi, duy trì hiệu suất hoặc giảm chi phí thức ăn.
TS Stephanie Ladirat
Trưởng phòng R&D, NUQO