T6, 23/09/2022 08:56

“Dòng chảy” thương mại thủy sản hậu COVID-19

(TSVN) – Đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo nền kinh tế thế giới, giao thương thủy sản cũng không thể tránh khỏi những tác động trực tiếp. Hậu COVID-19, khi thế giới mở cửa lưu thông trở lại, “dòng chảy” thương mại ngành hàng này cũng đã xoay chiều.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022. Đồng USD tăng giá cũng làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường, trong đó có EU và Nhật Bản. Ngoài ra, lượng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá, do đó, giá xuất khẩu trong thời gian tới cũng sẽ không duy trì được mức cao như nửa đầu năm. Đồng thời, lạm phát làm giảm chi tiêu cho thủy sản, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải, phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Các sản phẩm tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.


Tại Trung Quốc


Trong 6 thị trường lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột phá nhất, tăng 87% sau 6 năm (2015 – 2021). Việc Trung Quốc thắt chặt kiểm tra thủy sản nhập khẩu từ tháng 7/2020 do lo ngại COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của một số nước vào thị trường này, trong đó có Việt Nam. Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc đã tăng từ 11,5 kg bình quân đầu người năm 1990 lên 25,4 kg năm 2004, và ước đạt 35,9 kg trong năm 2021, tương đương khoảng 52 triệu tấn. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, có giá trị gia tăng. Ngoài ra, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Trung Quốc, một phần là do nhu cầu tăng do giá thịt lợn cao kỷ lục. Hiện, Việt Nam chiếm 7 – 10% thị phần thủy sản nhập khẩu của quốc gia này.

Tại Mỹ


Sau COVID-19, thị trường mở cửa, nhu cầu hồi phục mạnh đối với tất cả các sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, giá thủy sản tăng và lạm phát đang khiến cho nhu cầu của quốc gia này chững lại trong nửa cuối năm nay. Tính đến đầu tháng 7/2022, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 5, chiếm 9% thị phần nhập khẩu thủy sản của Mỹ.


Tại EU


Cá hồi vẫn là loài thủy sản dẫn đầu trong tiêu thụ tại khối này, chiếm 26%. Nhu cầu rong biển tăng mạnh nhất, tăng 37% sau 5 năm. Tôm chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, tăng 14%. Trừ thị trường Đức có nhu cầu nhập khẩu chững lại, giảm nhẹ 0,6% còn lại tất cả các thị trường đều tăng 20 – 20% trong giai đoạn 2017 – 2021. Việt Nam chiếm 2,6 – 2,8% thị phần tại EU và là nguồn cung cấp lớn thứ 5 cho thị trường này, đứng sau Na Uy (chiếm 13 – 17,6%), Trung Quốc (chiếm 4,1 – 5,3%), Ecuador (chiếm 2,6 – 3,1%) và Maroc (chiếm 2,4 – 2,8%).


Tại Nhật Bản


Xu hướng tiêu thụ thủy sản đang có dấu hiệu chững lại vì kinh tế suy thoái. Ngoài ra, người tiêu dùng trẻ nước này lại có xu hướng thích ăn thịt gà hoặc thịt lợn hơn các thế hệ trước. Cá ngừ, cá hồi và tôm là 3 loài được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản nhưng đều bị giảm nhập khẩu trong 5 năm qua. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp thủy sản đứng thứ 2 cho quốc gia này, chỉ sau Trung Quốc, và chiếm 10% thị phần.

Về cơ hội, bà Lê Hằng chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã định hình lên các xu hướng tích cực đối với thủy sản Việt Nam. Định hình xu hướng mua, bán online và thúc đẩy bán lẻ gia tăng; tăng nhu cầu các sản phẩm có giá vừa phải, phù hợp mặt bằng thu nhập như cá, tôm cỡ nhỏ, surimi, chả cá, một số loài cá biển…; tăng thương mại 2 chiều giữa các nước, thị trường thành viên của các FTA song phương và đa phương, tận dụng thuế quan ưu đãi như Canada, Chilê, Australia, Mexico, EU.

 

Bà Hằng cũng cho biết nhu cầu đối với tôm vẫn sẽ ổn định vì là lựa chọn ưu tiên hơn của người tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia. Nhu cầu các loại cá thịt trắng tiếp tục tăng. Ngoài ra, nhu cầu của Mỹ, EU và Trung Quốc cũng đang có xu hướng tăng, chi phối thị trường thế giới. Riêng thị trường Anh cũng tiềm năng hơn sau sự kiện Brexit. Lao động chế biến thủy sản thì đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác do chiến tranh thương mại của Trung Quốc với Mỹ và chính sách kiểm tra thủy sản nhập khẩu khắt khe trong và sau đại dịch. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng hoạt động gia công, chế biến, linh hoạt đa dạng thị trường, chuyển hướng các thị trường ngách tiềm năng.

 

Tuy nhiên, những thách thức và rào cản đối với thương mại thủy sản vẫn còn nhiều khi xung đột Nga – Ukraine và những hệ lụy của COVID-19 đã gây ra các tác động tiêu cực. Đồng thời, các vấn đề như định hướng bền vững, tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm sẽ gia tăng, các quy định liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, lao động cũng được siết chặt.

Theo bà Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật IDVN, để tránh những rủi ro lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế (như vụ 36 container hạt điều của Việt Nam xuất khẩu sang Italy bị chiếm đoạt bộ chứng từ gốc), các doanh nghiệp ngành hàng thủy sản cũng cần chuẩn bị những kinh nghiệm đề phòng như: Tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của đối tác lần đầu mua hàng; sử dụng phương thức thanh toán phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đối với các khách hàng lần đầu mua hàng nên sử dụng các phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng (L/C) hoặc bảo lãnh thanh toán, các phương thức thanh toán như D/A và D/P chỉ nên sử dụng đối với các khách hàng truyền thống; theo dõi đơn hàng và tiến độ thanh toán, ngay khi có dấu hiệu bất thường, cần liên lạc với bên đối tác, ngân hàng, hiệp hội và các cơ quan chức năng liên quan, như Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại nước nhập khẩu để giải quyết.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!