(TSVN) – Sáng 26/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại Cảng neo đậu Tịnh Hòa, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, đến thời điểm hiện tại, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang vào cuộc để ứng phó bão số 4. Để tránh thiệt hại về người do bão gây ra, Quảng Ngãi dự kiến sẽ di dời, sơ tán tổng cộng 24.571 hộ với 84.426 khẩu. Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn. Kinh nghiệm từ những cơn bão trước, người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, vấn đề lo ngại nhất vẫn là sau khi cơn bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của bão không thể chủ quan. Một số người dân cho rằng bão đã kết thúc và đi về nhà, vẫn liều lĩnh qua các khu vực nguy hiểm dù đã có đặt biển cảnh báo. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi cương quyết sẽ không để những trường hợp này xảy ra bằng việc chỉ đạo lực lượng dân quân chốt chặn ở những địa điểm này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại Cảng neo đậu Tịnh Hòa, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi
Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ. “Quảng Ngãi đã phân công tất cả các lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4. Mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sự cố do lơ là, mất cảnh giác gây ra”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Đến thời điểm này, với sự chuẩn bị tích cực của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, thì tỉnh này có thể tạm yên tâm trước khi cơn bão đến. Tuy nhiên, khi bão vào sẽ còn rất nhiều tình huống xảy ra, do đó, Bộ trưởng yêu cầu địa phương này tiếp tục vận động tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là đối với cơn bão theo dự báo là 1 cơn bão tương đối lớn. “Tôi mong rằng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo tập trung tối đa để đảm bảo tính mạng, tài sản cho bà con. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cả lực lượng xung kích tình nguyện để chúng ta chuẩn bị ứng phó mọi kịch bản”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý: “Với những tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi thì ảnh hưởng do mưa bão ở miền núi là khó lường, vì địa chất có những điều không tiên lượng được. Như thời gian vừa qua, sạt lở ở miền núi đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng như ở Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế. Một phần do bà con còn chủ quan, phần do trách nhiệm của chúng ta. Do vậy, Quảng Ngãi cần lưu tâm, chủ động đối với những khu tái định cư, di dời khẩn cấp những khu vực có khả năng xảy ra sạt lở”.
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của bão số 4 nên khả năng từ sáng ngày 27/9 vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 8 – 9, sau tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 – 14, giật cấp 16 – 17, sóng biển cao 8 – 10 m, biển động dữ dội. Cần đề phòng nước dâng do bão cao 1 – 1,5 m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông.
Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại vùng biển đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão, nên tàu thuyền, lồng bè thuỷ hải sản cần có phương án phòng tránh trú sớm để đảm bảo an toàn.
Từ chiều tối ngày 27/9, khu vực ven biển Quảng Ngãi (đặc biệt cần chú ý phía Bắc) có gió mạnh dần lên cấp 7 – 8, giật cấp 9 – 10; sau tăng lên cấp 10 – 12, giật cấp 13 – 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8 – 9 sau tăng lên cấp 9 – 10; giật cấp 11 – 12.
Từ ngày 27 – 28/9, trong đất liền tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 150 – 350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; cần chú ý đề phòng có lũ lớn, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp.
Như Đồng