(TSVN) – Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, những ngày qua, vùng nuôi tôm ven biển huyện Kim Sơn có mưa lớn, làm cho môi trường nước ao nuôi thủy sản bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngành chức năng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát tình hình, kịp thời hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp để ổn định môi trường, bảo vệ thủy sản thả nuôi.
Kim Sơn là vùng nuôi thủy sản mặn lợ quan trọng, đóng góp một phần không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, những ngày qua, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã rà soát lại toàn bộ diện tích nuôi trồng; cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do mưa lớn.
Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trước diễn biến bất thường của thời tiết, Đơn vị đã có các văn bản hướng dẫn về việc tăng cường quản lý vùng nuôi những ngày mưa lớn kéo dài; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước mặn, lợ gửi đến các xã, thị trấn ven biển.
Ảnh minh họa
Phần lớn các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng đã khá chủ động trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ con nuôi nên chưa ghi nhận các tác động lớn. Tôm ở các hộ nuôi công nghiệp hầu hết vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, tại một số hộ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đã có hiện tượng tôm chết. Trạm đang tiếp tục theo dõi, đồng thời định kỳ hàng tuần, hàng tháng lấy mẫu nước, mẫu tôm gửi đi phân tích, từ đó làm cơ sở phát hiện dịch bệnh, khuyến cáo bà con có các biện pháp xử lý trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ngành chức năng khuyến cáo, mưa lớn kéo dài làm giảm nhiệt độ, độ mặn trong các ao nuôi; làm gia tăng chất rắn lơ lửng do sự rửa trôi đất từ bờ ao, từ đó làm tăng độ đục trong ao nuôi tôm dẫn đến sự suy giảm tảo đột ngột trong ao nuôi. Ngoài ra, mưa cũng làm cho sự phân tầng nước ao nuôi diễn ra mạnh, tình trạng thiếu ôxy hòa tan trong ao lớn.
Hiện tượng tảo tàn dẫn đến hàm lượng chất hữu cơ trong ao lớn tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển, độc tính khí H2S gia tăng. Các yếu tố thủy lý, hóa trong ao nuôi thay đổi đột ngột sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của tôm nuôi và có thể gây tôm chết.
Do vậy, người nuôi cần thực hiện các biện pháp như: Xả nước mặt ao nuôi tôm. Trong trường hợp độ pH giảm dùng CaCO3 với lượng 10 kg/100 m2. Cần sử dụng Zeolite để giải phóng khí độc trong ao nuôi với liều lượng từ 15 – 20 kg/ 1.000 m3 hoặc sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Giảm lượng thức ăn ít nhất 30%. Bật quạt nước và sục khí cố gắng duy trì hàm lượng ôxy hòa tan > 4 ppm. Kiểm tra tảo trong ao thường xuyên để có biện pháp xử lý phù hợp.
Sau khi mưa, tăng dần lượng thức ăn tùy theo nhiệt độ và sản lượng tôm trong ao. Bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa, muối K, Na và Mg vào khẩu phần ăn của tôm. Sử dụng chế phẩm sinh học và khoáng để ổn định môi trường ao nuôi. Đối với các ao nuôi tôm, cua đã đạt kích cỡ thương phẩm, các hộ nên tiến hành thu hoạch ngay.
Riêng đối với các cơ sở sản xuất giống ngao, hàu, cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra các yếu tố môi trường nước, đặc biệt độ mặn để có kế hoạch lấy nước tiến hành sản xuất giống. Đối với những ao ương nuôi ấu trùng cần xả bớt nước mặt. Bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa, muối K, Na và Mg.
An Nhiên