(TSVN) – Với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 44,9 tỷ USD trong 10 tháng qua cùng nhiều sản phẩm đạt giá trị trên 2 tỷ USD đã cho thấy cơ hội hiện thực hóa kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 55 tỷ USD.
Thông tin tại Hội thảo đánh giá triển vọng thị trường nông sản Việt Nam do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức sáng 4/11 cho thấy, kỷ lục thặng dư thương mại về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản diễn ra vào năm 2020, đạt ngưỡng 10,4 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Năm 2022, Bộ NN&PTNT dự kiến xuất khẩu năm nay đạt 55 tỷ USD, tăng hơn 30% so kỷ lục xuất siêu năm 2020. Tuy nhiên, thặng dư thương mại năm nay ước khoảng 6 – 7 tỷ USD.
Trong hơn 10 năm tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ổn định. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2021. Bất chấp hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức tăng trưởng của một số nhóm hàng chủ lực được duy trì ổn định như gỗ và lâm sản, thủy sản, hạt điều, cao su, gạo, sắn… Riêng nhóm hàng thủy sản năm 2022 dự kiến xuất khẩu vượt 10 tỷ USD.
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt 10 tỷ USD. Ảnh: Sao Mai
TS Trần Công Thắng, Viện trưởng IPSARD đã chỉ ra 5 lý do giúp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tiếp đạt kỷ lục. Đó là: Nhu cầu của thế giới liên tục tăng, Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau COVID-19; tăng cường trao đổi thương mại với các thị trường lớn; tận dụng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới; áp dụng ngày một nhiều khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, giữ đà tăng trong nhiều năm, nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, vệ sinh ATTP. Bởi, trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhận tổng cộng 907 thông báo từ các quốc gia WTO về những vấn đề liên quan đến SPS, tăng 21% so cùng kỳ 2021. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia thông báo nhiều nhất, với 126 thông báo, chiếm 13,7%. Tiếp đến là Brazil, EU, Canada và Mỹ. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nông sản Việt Nam, đưa ra 18 thông báo trong 10 tháng, tương đương gần 2%. EU, một thị trường khó tính và có tiêu chuẩn cao về ATTP, đưa ra tổng cộng 5.394 cảnh báo với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ hệ thống cảnh báo nhanh với toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chỉ nhận 64 cảnh báo, chiếm 1,78%. Do vậy, để sản phẩm từ nền nông nghiệp trong nước từng bước “chạm ngõ” và “tiếp cận” với chuỗi cung ứng toàn cầu, người dân, HTX, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nâng cao hơn nữa nhận thức về kiểm soát, đảm bảo ATTP.
Ông Trần Công Thắng thì lưu ý thêm 5 thách thức chính đối với thương mại nông sản trong tương lai gần. Một là, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hai là, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm. Ba là, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi. Bốn là, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng. Năm là, người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.
Những thách thức và cơ hội đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định sẽ có 3 xu hướng tác động chính tới thị trường nông sản nói chung. Xu hướng thứ nhất đến từ các nước khó khăn như châu Phi, Nam Á, với khả năng tình trạng thiếu lương thực, mất an ninh lương thực sẽ xảy ra tại các nước này, do giá vật tư tăng cao, đứt gãy các chuỗi cung ứng và kinh tế suy thoái. Theo đó, giá một số mặt hàng mang ý nghĩa sống còn với an ninh lương thực như lúa gạo, thủy sản tại đây sẽ trở nên ngày càng đắt đỏ, nhất là khi kho dự trữ trên thế giới không có nhiều. Điều này sẽ tác động đến thị trường nông sản toàn cầu và cơ hội cho những nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.
Xu hướng thứ hai đến từ việc những nền kinh tế tiên tiến như EU, Mỹ, Australia, Đông Bắc Á đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nông sản có thể sẽ giảm sút. Các mặt hàng như cà phê, tiêu, gỗ… vốn không phải mặt hàng thiết yếu sẽ giảm mạnh hoặc bị thay thế. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới triển vọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vì đây đều là những thị trường xuất khẩu chính.
Xu hướng thứ ba là giá năng lượng tăng cao khiến giá phân bón, thức ăn gia súc tăng cao, dẫn đến giá thành chăn nuôi và trồng trọt bị đẩy lên. Các tác động giá cả này sẽ ảnh hưởng lớn đến các nước sản xuất nông nghiệp mạnh như Việt Nam. Do vậy, ngành nông nghiệp cần tính đến vấn đề, bán ra nhiều nông sản nhưng phải tìm cách tăng lợi nhuận, cân bằng cán cân thương mại giữa xuất và nhập.
Thông qua thảo luận tập trung vào các vấn đề trọng tâm liên quan đến công tác dự báo tình hình sản xuất, tiêu dùng và thương mại nông sản thế giới, trong đó hướng trọng tâm vào 3 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, thủy sản và cà phê; Hội thảo đánh giá triển vọng thị trường nông sản Việt Nam đã gợi mở một số định hướng giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam. Theo đó, trong bối cảnh giá năng lượng thế giới dự báo vẫn duy trì ở mức cao có thể làm tăng giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực kéo theo thách thức cho đảm bảo an ninh lương thực và sụt giảm giá trị thặng dư nông sản, Việt Nam cần chú trọng đến các giải pháp để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng cường xuất khẩu nông sản. Bên cạnh sản xuất các sản phẩm bền vững, giảm phát khí thải, đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc tế; tuân thủ các điều kiện để tiến tới sớm gỡ “thẻ vàng” IUU của châu Âu… Việt Nam cũng cần hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, ngoài định hướng chú trọng tăng cường kết nối với các thị trường để khai thác tốt hơn dư địa và tận dụng được thế mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần phải phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển… Qua đó, tăng thêm cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường chủ lực Trung Quốc, cũng như kết nối chặt chẽ hơn nữa với hệ thống thương mại biên mậu với các quốc gia trong khu vực…
Hồng Hạnh