(TSVN) – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.
Sau ba năm CPTPP đi vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng trong điều kiện bình thường mới để tận dụng, khai thác hiệu quả Hiệp định, gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường đặc biệt là thị trường mới ở khu vực châu Mỹ. Theo các chuyên gia nhận định, năm 2022, các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, từ đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần khai thác triệt để lợi ích từ Hiệp định CPTPP, từ đó gia tăng thêm cơ hội để tiếp cận nhiều thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.
Biểu đồ: TCTS; nguồn: TCHQ
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ, có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru, Chilê…, trong đó có 3 quốc gia lần đầu tiên chúng ta có quan hệ FTA là Canada, Mexico, Peru; riêng Chilê chúng ta đã có FTA song phương. Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, đã chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so năm 2020 và tăng 75% so thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Hay như đối với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Với ngành hàng thủy sản, hầu hết các thành viên CPTPP đều cam kết giảm thuế quan về mức 0% trong vòng 0 – 3 năm. Hiện, độ phủ sóng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường đang ngày tăng cao rõ rệt. Như thị trường Canada, Việt Nam là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Canada; hay cá tra thì Mexico là thị trường tăng trưởng nóng của cá tra Việt Nam. Mexico là quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất trong các nước thành viên CPTPP. Chất lượng tốt, tươi ngon, lại được trợ giúp nhờ mức thuế giảm sâu, tôm là một trong những mặt hàng được thị trường Canada ưa chuộng. Hiện, Canada là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của tôm Việt Nam trong khối CPTPP, chiếm 22% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam vào khối thị trường này. Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019, xuất khẩu tôm Việt sang Canada liên tục tăng. Theo đó, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Canada đạt 187 triệu USD, tăng 23% so năm 2019; năm 2021 tăng 18% so năm 2019, đạt 180 triệu USD. Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada, trong đó nổi bật nhất như: Công ty Minh Phu Seafood Corp, Minh Phu-Hau Giang, Stapimex, Vina Cleanfood, Cuu Long Seapro…
Bà Võ Hồng Anh cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, chúng ta phải xem xét, chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình qua cải tiến chất lượng sản phẩm, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường; đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất. Hướng tới các sản phẩm xanh, phát triển bền vững để phù hợp với thị trường đích đến của mình. Lời khuyên cho doanh nghiệp đó là cần tìm hiểu kỹ thị trường, hiểu về nhu cầu của họ. Chúng ta không bán cái ta có mà phải bán cái thị trường cần. Với mạng lưới FTA bao phủ, rộng khắp như vậy chúng ta có thể tận dụng những mối liên kết kinh tế này để đưa hàng hóa tiếp cận sang các thị trường rộng lớn hơn của châu Mỹ. Đáng chú ý như Canada, Mexico cùng tham gia Hiệp định USMCA với Mỹ, hay Chilê, Mexico đều có FTA với hầu hết các nước khu vực châu Mỹ Latinh, bà Hồng Anh chia sẻ.
Theo Bộ Công thương, quy tắc xuất xứ của CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA khác, đòi hỏi doanh nghiệp có thời gian để tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp chưa nhanh. Sự hỗ trợ của cơ quan chức năng còn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, việc thể chế “nội luật” quy định CPTPP còn chậm, ảnh hưởng đến cơ hội tham gia thị trường của doanh nghiệp. Mặc dù, hàng nông sản, thủy sản đã có cải thiện về chất lượng và ATTP nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng tiêu chuẩn do nước nhập khẩu đặt ra.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hướng tới sản phẩm xanh, bền vững”. Mặt khác, doanh nghiệp cần tập trung vào những mặt như cải tiến công nghệ sản xuất, dây chuyền chế biến, nâng cao hàm lượng gia công, chế tác, đa dạng hóa mẫu mã cũng như quy cách đóng gói sản phẩm… để sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài đáp ứng được không chỉ thị hiếu khách hàng mà còn các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường nước bạn.
Diệu An